Nguyễn Du từng viết: "Trần thế bách niên khai nhãn mộng" tức cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở. "Khi linh hồn ta xuất đi để vào giấc mộng cũng là lúc “trí tưởng tượng trôi nổi, có lúc thanh thản bồng bềnh, có khi ngụp lặn tắm táp nơi đáy suối… trong giây lát có thể quán thông kim cổ, trong chớp mắt có thể bốn biển rong chơi". Những miền phong cảnh cứ thế trôi qua, xuất hiện, tồn tại, rồi tàn lụi.
Mượn ý thơ Nguyễn Du, Mở đôi mắt mộng là hành trình khám phá khái niệm phong cảnh của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng. Song hành với những tìm tòi, nghiên cứu theo cách thông thường, Thắng lựa chọn một phương thức khảo họa nhiều rung cảm hơn - đó là sưu tập các tác phẩm từ những đồng nghiệp mà anh trân trọng.
Triển lãm Mở đôi mắt mộng diễn ra từ 27.8 - 17.11 tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost. Nhìn lại những sáng tác trong hội họa phong cảnh xưa nay, ta thấy những thủ pháp kiến tạo không gian từ việc chép lại cảnh trí trong thực tế, cũng thấy những phương pháp tạo ra một vùng miền tưởng tượng.
Nhưng còn cách nào khác để nhận thức được một "phong cảnh" hay không? Cách hiểu về phong cảnh đã được định hình ra sao, thay đổi theo thời gian thế nào, khi thế giới quan của chúng ta - những người thưởng lãm - đang đứng giữa sự chuyển mình của dòng chảy văn hóa? Trong thời đại mà việc di chuyển qua các vùng đất và lưu lại hình ảnh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, liệu "phong cảnh" có trở thành quá đỗi bình thường?
Cụ thể hơn, trong trường hợp này, những bức "khảo họa" của Hà Mạnh Thắng đã hé lộ điều gì cho nghệ sĩ, cho công chúng? Giám tuyển Lê Thuận Uyên sẽ dẫn dắt khán giả dạo chơi qua các miền phong cảnh (của triển lãm) để trả lời những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Lê Thuận Uyên hiện là Giám tuyển, Giám đốc Nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật The Outpost. Vốn được đào tạo trong lĩnh vực khoa học chính trị, Uyên quan tâm tới những góc nhìn đa chiều về lịch sử, xã hội thông qua những câu chuyện cá nhân lẩn khuất. Thực hành của cô rọi vào ảnh hưởng của bối cảnh xã hội và mạch ngầm bản địa tới sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Lối giám tuyển của Lê Thuận Uyên hướng tới việc hợp tác chặt chẽ với các nghệ sĩ, tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật của họ, đồng thời đồng hành và nuôi dưỡng những chất vấn sáng tạo.
Lê Thuận Uyên từng làm việc tại Nhà Sàn Collective (Hà Nội) và Trung tâm nghệ thuật The Factory (thành phố Hồ Chí Minh) và đã tham gia thực hiện nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Cô cũng có thời gian lưu trú tại Art in General (New York) năm 2017 thông qua học bổng của Asian Cultural Council.