Diễn ra từ ngày 1 - 9.11, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 được tổ chức tại Rạp Công nhân, Rạp Đại Nam và các nhà hát trên địa bàn thành phố Hà Nội. Liên hoan quy tụ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương, Hà Nội, lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lân cận.
Các đơn vị tham gia Liên hoan gồm: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Hải phòng, Nhà hát Chèo Bắc Giang, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát chèo Hà Nội, Sân khấu Lucteam.
Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Nguyễn Đăng Chương cho biết, điểm mới của Liên hoan lần này là các tác phẩm tham dự có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng; phản ánh sinh động mọi mặt đời sống xã hội, đất nước, con người Việt Nam.
Liên hoan khuyến khích các tác phẩm có nội dung gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội trong quá khứ và hiện tại. Đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn, có tác động tích cực đến đời sống xã hội, thể hiện rõ các chức năng, nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ trong tác phẩm.
Tác phẩm phải tạo được sự hấp dẫn, mang tính dự báo, hướng tới chất lượng cao. Bố cục, kết cấu chặt chẽ, có nhiều tìm tòi sáng tạo mới lạ, hiệu quả trong phương pháp nghệ thuật và hình thức thể hiện. Tác phẩm phải giữ được những đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật.
“Các tác phẩm tham dự Liên hoan chưa được đơn vị đưa đi tham dự các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức; hoặc nếu là tác phẩm dàn dựng lại cũng phải là êkip nghệ thuật mới với chất liệu mới”, TS. Nguyễn Đăng Chương cho biết thêm.
Tham gia Liên hoan với vở diễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trong những ngày tập luyện cuối cùng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSND Quốc Trượng mong muốn Ban tổ chức tạo điều kiện để anh em nghệ sĩ Hà Nội và các đơn vị Hải Phòng, Bắc Giang thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp qua mỗi vở diễn, nhằm đem đến những màn diễn hay nhất, chất lượng nhất.
Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Thu Huyền khẳng định, tham gia Liên hoan cũng là trách nhiệm của một đơn vị nghệ thuật trên địa bàn nhằm hưởng ứng các sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước. Mang đến Liên hoan Người hát ả đào, vở diễn chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội đang nỗ lực quảng bá vẻ đẹp con người Hà Nội trong quá khứ và hiện tại.
“Với sự mở rộng về đối tượng, đề tài của Liên hoan, chúng tôi mong chờ những màu sắc mới đến từ các đơn vị để không chỉ khán giả và công chúng Thủ đô mà chính các nghệ sĩ được thưởng thức trong dịp này”, NSND. Thu Huyền nói.
Nhằm mang đến cho công chúng cơ hội thưởng thức một tác phẩm có giá trị của tác giả Lưu Quang Vũ theo cách sinh động, mới mẻ và hấp dẫn nhất, vở kịch Ông không phải là bố tôi đang được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng với êkíp biểu diễn trẻ trung, những gương mặt nghệ sĩ đã và đang được đông đảo khán giả yêu mến.
Nhà hát Múa rối Thăng Long trình diễn vở Hoàng đế cờ lau. Nhà hát Cải lương Hà Nội có vở Lý Thường Kiệt. Nhà hát Múa rối Việt Nam dự thi với vở Hoàng thành Thăng Long. Nhà hát Cải lương Việt Nam mang đến Cánh cửa khép hờ. Sân khấu Lucteam ra mắt vở Lộ hàng. Nhà hát Kịch Hà Nội có Khoảng trống. Nhà hát Chèo Bắc Giang là vở Sóng ven đô. Nhà hát Chèo Hải Phòng có vở Hồ Xuân Hương.
Đại diện các đơn vị cho biết đang tích cực luyện tập với tinh thần và quyết tâm cao nhất để mang đến cho khán giả những vở diễn đặc sắc. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ sân khấu thể hiện tình yêu với Thủ đô và đất nước.