Thông qua ba chủ đề xuyên suốt - hư cấu điện ảnh, trẻ em Việt Nam và một thời chiến tranh, Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến gợi mở những câu hỏi sâu sắc về cách điện ảnh khắc họa hình ảnh trẻ thơ. Không đơn giản là một nhóm tuổi, nhân vật trẻ em trong điện ảnh còn được nhìn nhận qua nhiều lăng kính về tâm lý, cảm xúc và sự trưởng thành trong suy nghĩ.
Sự kiện sẽ trình chiếu hai tác phẩm tiêu biểu của thập niên 1970, cũng chính là thời kỳ tái thiết đất nước, xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội (1974 - 1976): Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh, 1974) và Mẹ vắng nhà (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, 1979).
Cả hai bộ phim đều khắc họa những đứa trẻ lạc mất người thân giữa thời loạn lạc, tạo nên những lát cắt cảm xúc, gợi nhắc người xem về ký ức tập thể của một thời kỳ đau thương mà kiên cường. Nhân vật trẻ thơ trong các bộ phim này không chỉ biểu hiện hình thái mất mát cá nhân mà còn đại diện cho một thế hệ phải đối diện với cuộc chiến và sự khắc nghiệt của lịch sử ngay từ khi còn nhỏ tuổi.
Hình ảnh trẻ thơ trong điện ảnh, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, không chỉ phản ánh đời sống hiện thực mà còn góp phần tạo nên những tầng nghĩa mới qua sự “hư cấu”. Bằng việc kết hợp giữa hư cấu và hiện thực khắc nghiệt, điện ảnh đã mở ra không gian để chân dung trẻ em hiện lên đa chiều, vừa mong manh, vừa kiên cường đồng thời đan bện những non ấu trẻ thơ vào thời điểm khắc nghiệt của dân tộc tạo nên cảm xúc mạnh mẽ trong điện ảnh.
Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, sẽ diễn ra vào 14h ngày 13.11, tại Rạp Khăn Quàng Đỏ (Cung Thiếu nhi Hà Nội, 36 Lý Thái Tổ). Chương trình được Ngô Thanh - người thực hành giám tuyển và hướng dẫn khóa học làm phim, phê bình phim tại trung tâm phim tài liệu - thử nghiệm Hanoi DOCLAB giới thiệu.
Sự kiện còn có sự hỗ trợ từ Viện phim Việt Nam nhằm mang đến cho khán giả một không gian đối thoại và chiêm nghiệm về hình tượng trẻ thơ trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước.