Tôn giáo góp sức xây dựng nông thôn mới

Phát huy sức mạnh nội tại

- Thứ Tư, 09/08/2023, 05:19 - Chia sẻ

Thực tế chứng minh các tôn giáo thực sự là nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; để các nguồn lực được khai thông hiệu quả cần có sự đổi mới, hoàn thiện về cơ chế, chính sách, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức tôn giáo...

Triển khai đồng bộ, sâu rộng

Những kết quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy, nhân dân là lực lượng chính trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, các tổ chức tôn giáo đã thực hiện đường hướng hành đạo “tốt đời đẹp đạo”, với nhiều nội dung, hình thức và cách làm phong phú.

Chung sức xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra những thay đổi to lớn về diện mạo của nông nghiệp, nông thôn. Nguồn: TCCS
Chung sức xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra những thay đổi to lớn về diện mạo của nông nghiệp, nông thôn

Quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đã có sự tham gia hưởng ứng ngay từ đầu của rất nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo. Gắn với đó, có phong trào được triển khai đồng bộ đến tất cả các tôn giáo, có phong trào mang đặc trưng trong từng tôn giáo và có phong trào mang tính chất khu vực, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Ngoài hưởng ứng và tham gia tích cực vào chương trình chung, bản thân các tôn giáo cũng tự đưa ra chương trình hành động để công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, các tổ chức tôn giáo đã bám sát bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, căn cứ tình hình thực tiễn để đẩy nhanh tiến độ, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống nông thôn trên khắp các vùng, miền. Tại nhiều địa phương, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia làm cầu, nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường giao thông; xây nhà tình thương; tôn tạo, xây mới những công trình phục vụ dân sinh, phát triển sản xuất; xây trường học, hiến đất và ngày công lao động để nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế… Bên cạnh đó, cũng chính các tổ chức tôn giáo đã tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền chống rác thải nhựa, thu gom, xử lý rác thải nhựa, túi nilon tại nơi công cộng, khơi thông kênh mương thoát nước, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, các khu vực công cộng...

Những việc làm này diễn ra sâu rộng trên khắp các tỉnh, thành phố, từ mỗi xã, phường, thôn, bản… góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Những mô hình tự quản về môi trường, an ninh trật tự, xây dựng khu dân cư Sáng - xanh - sạch - đẹp, cơ sở thờ tự tinh tiến, văn minh… cũng từ sáng kiến, phối hợp của các tổ chức tôn giáo mà đạt được hiệu quả cao. Rõ ràng, đóng góp của cộng đồng tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của tôn giáo, mà còn tạo lập sự ổn định và làm nên sự gắn kết, sức mạnh nội tại trong cộng đồng tôn giáo, khẳng định vị trí của tôn trong đời sống xã hội và phát triển đất nước.

Gắn kết đạo - đời tốt đẹp

Một mặt ghi nhận đóng góp của các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, đã góp phần giúp đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và vùng đồng bào theo tôn giáo nói riêng được cải thiện, ổn định và từng bước nâng lên rõ rệt; mặt khác cũng phải thẳng thắn thừa nhận một số nơi chưa chú trọng tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tu sĩ phát huy mặt tích cực, đẩy lùi tiêu cực, chưa phát huy tốt nguồn lực các tôn giáo, công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và ngành liên quan có lúc còn thiếu nhịp nhàng... Chưa kể, chủ trương phát huy nguồn lực các tôn giáo của Đảng ta mới ban hành nên việc nhận thức và vận dụng vào thực tiễn còn bất cập. Việc thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật cụ thể còn chậm nên việc phát huy nguồn lực các tôn giáo nói chung, trong đó có phát huy nguồn lực tôn giáo trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" còn có bất cập, vướng mắc, hạn chế.

Theo các chuyên gia, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo tham gia thực hiện tốt 5 nội dung của cuộc vận động, gắn với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương hàng năm và Chương trình Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần chú trọng công tác tuyên truyền về kết quả xây dựng nông thôn mới, nâng cao trách nhiệm của người dân trong duy trì, nâng cao chất lượng nông thôn mới; tập trung vận động các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí; cùng toàn dân tích cực tham gia hoạt động trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, huy động các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh phải phù hợp với đặc điểm và đường hướng hành đạo của từng tôn giáo, để tạo sự gắn kết “đạo - đời tốt đẹp”; đồng bào các tín đồ tôn giáo cùng tham gia thực hiện cuộc vận động, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tạo sự đồng thuận, thống nhất. Bên cạnh đó, cần đổi mới, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động để thời gian tới, 100% chức sắc, chức việc, tu sĩ các tôn giáo nắm rõ nội dung của cuộc vận động và tích cực tham gia thực hiện, cũng như phát huy vai trò làm chủ, tính tự giác và tích cực sáng tạo của đồng bào tín đồ các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.

Ngọc Phương - Thái Minh