Lồng ghép trong sinh hoạt tôn giáo
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm gần 1/3 dân số toàn tỉnh. Đa số người Khmer đều theo Phật giáo Nam tông. Những năm qua, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng luôn tích cực động viên, khích lệ sư sãi, đồng bào Phật tử sống “tốt đời đẹp đạo”, vận động Trụ trì, Ban trị sự, sư sãi các chùa và Phật tử tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới thông qua các hoạt động như giữ gìn vệ sinh môi trường nơi khuôn viên thờ tự và các phum sóc; chú trọng trồng cây xanh đem lại cảm giác tươi mát, gần gũi giữa con người và thiên nhiên…
ĐBQH, Thượng tọa Lý Đức, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Phó hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Som Rông, phường 5, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống hàng năm, cũng như vào các ngày rằm, tại chùa, chư tăng thường xuyên dẫn giải quan điểm của Phật giáo để Phật tử thực hành lối sống thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nhà chùa khuyến khích tín đồ và người thân phân loại rác, hạn chế sử dụng túi nilon, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường, dễ phân hủy như mây tre, cói, lá chuối; đồng thời trồng trọt theo phương thức chú trọng bảo vệ sự cân bằng tự nhiên và sức khỏe con người, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp bằng chất hóa học sang sử dụng chất hữu cơ...
Sự chung sức đồng lòng của các tín đồ Phật giáo Nam tông với những hành động cụ thể đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi diện mạo quê hương và nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào tại các phum, sóc.
Nhận thấy diễn biến phức tạp về môi trường, biến đổi khí hậu, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ về vấn đề này trong đồng bào Công giáo tỉnh Lâm Đồng cũng được đẩy mạnh. Theo đại diện Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, chức sắc, chức việc Công giáo thường xuyên lồng ghép trong các sinh hoạt tôn giáo, tuyên truyền tác hại của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vận động bà con giáo dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp bằng những việc làm cụ thể: thu gom rác thải hợp vệ sinh, dẹp bỏ các bãi rác tự phát gây ô nhiễm ở khu dân cư, thường xuyên dọn vệ sinh nơi công cộng, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh; xây dựng mô hình sản xuất rau sạch hữu cơ góp phần nâng cao ý thức cho người dân về việc sản xuất rau, củ, quả sạch, an toàn…
Nhiều hoạt động tích cực để triển khai các phong trào, vận động đồng bào không gây ra tác nhân làm gia tăng biến đổi khí hậu như phá rừng, hạn chế sử dụng nguồn năng lượng không tái tạo và ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính…
Hình thành nếp sống mới
Từ nhiều năm nay, Phật tử đến chùa Phổ Linh, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã không đốt vàng mã, không thắp hương trong nội tự. Cảnh quan chùa luôn được giữ gìn sạch sẽ, thanh tịnh, nhiều cây xanh được trồng và chăm sóc. Không chỉ giữ gìn cảnh quan chùa, Phật tử còn trồng cây, thường xuyên dọn dẹp, giữ gìn quang cảnh đường làng ngõ xóm; bà Nguyễn Thị Nghĩa, xã Kim Phú chia sẻ: “Nhờ các thầy chỉ dạy, mọi người trong xã đã chú ý trồng, chăm sóc cây xanh, làm đẹp cảnh quan gia đình nhà mình và đường làng ngõ xóm...”
Tuyên Quang là địa phương có độ che phủ rừng cao trong cả nước; ý thức vai trò của rừng trong việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của con người, phong trào trồng cây xanh, giữ rừng thường xuyên được nhà chùa phát động, Phật tử và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực. "Chúng ta sống ở trong rừng, được rừng bảo vệ, che trở, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ, tăng cường trồng rừng"; chị Lương Thị Minh Huệ, xã Kim Phú cho biết, “được Đại đức Thích Thanh Phúc - Phó Trưởng ban Thường Trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tuyên Quang giảng giải, chúng tôi đã động viên, giải thích cho gia đình không đốt phá rừng, chặt rừng, không săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã...”
Từng là điểm nóng về môi trường, khi xóm Thắng Lợi, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, được chọn là mô hình điểm Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, nòng cốt là đồng bào Công giáo, nơi đây có nhiều thay đổi; bà Trần Thị Mão, Giáo xứ Yên Lãng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Thắng Lợi, kể: “Chúng tôi đi vận động bà con, và được mọi người đồng tình ủng hộ, nhà nào cũng có 2 sọt rác, phân loại rác thải phân hủy được và không phân hủy được. Không còn tình trạng nhà nào biết nhà ấy, xả rác bừa bãi ra môi trường; ý thức giữ gìn vệ sinh hàng ngày sạch sẽ trong từng gia đình được duy trì. Phân loại rác thải hàng ngày, tập kết rác đúng nơi quy định đã thành nếp sống trong gia đình người Công giáo”.
Bằng việc thường xuyên vận động, nâng cao nhận thức và có các hành động thiết thực, các chức sắc, chức việc tôn giáo đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, giúp tín đồ và cộng đồng có trách nhiệm hơn với môi trường sống xung quanh.