Sáng 25.8, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sỹ tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải; thi kiến thức lịch sử giai đoạn buổi đầu Đà Nẵng kháng Pháp 1858 - 1860 có chủ đề “Chân trần, chí thép”, với sự tham gia của 7 đội chơi đến từ các quận, huyện đoàn.
Tọa đàm khoa học chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860)” diễn ra ngày 30.8. Tọa đàm nhằm nhìn nhận, đánh giá một cách rõ ràng, cụ thể về tình hình, thực trạng, vai trò và tầm quan trọng của các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860) tại thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay, qua đó đề ra phương hướng, giải pháp khoa học bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản trong thời gian tới.
Từ ngày 31.8 - 6.9 tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, sẽ diễn ra triển lãm ảnh "Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp - Tây Ban Nha - Di sản còn lại với thời gian". Triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng khoảng 100 ảnh tư liệu nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của nhân dân ta cũng như tôn vinh giá trị của các di sản liên quan đến sự kiện Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860).
Chương trình Em yêu lịch sử với chủ đề "Khát vọng non sông: Danh tướng Nguyễn Tri Phương" sẽ diễn ra vào ngày 22.9 tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Trong tháng 9, Bảo tàng cũng tổ chức Giờ học ngoại khóa, Ngược dòng ký ức, tham quan chuyên đề: “Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860)” và xem phim tư liệu “Sóng cửa Hàn”...
Đà Nẵng là nơi đầu tiên liên quân Pháp và Tây Ban Nha đặt chân đến để thực hiện kế hoạch xâm chiếm toàn bộ Việt Nam vào thế kỷ XIX. Trong bối cảnh lịch sử ấy, nhân dân Đà Nẵng trở thành những người đầu tiên và đại diện cho nhân dân cả nước kiên cường chống lại các thế lực xâm chiếm đến từ phương Tây hùng mạnh, đầy tham vọng với vũ khí, phương tiện hiện đại.
165 năm trôi qua, phần lớn dữ liệu, dấu tích của cuộc chiến giờ chỉ còn lưu lại trên các bức ký họa, bản đồ, qua sử sách, tên đất, tên làng và trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn những dấu ấn của cuộc chiến mang nhiều giá trị, minh chứng hùng hồn cho tinh thần quật cường, ý chí chiến đấu và sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân Đà Nẵng. Đó chính là những di sản còn lại của trận chiến đấu hào hùng năm xưa...