Lan tỏa giá trị Việt Nam với cộng đồng quốc tế

“Hàn Quốc có Trung tâm văn hóa ở Việt Nam để giới thiệu, lan tỏa và quảng bá văn hóa của họ tại đất nước mình. Vậy tại sao Việt Nam chúng ta lại không làm như thế này ở nước ngoài?”. Đó là ý kiến của ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) tại phiên thảo luận sáng qua, (1.11) về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035… Bên cạnh nhất trí cao với chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa ở nước ngoài, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện; đồng thời bày tỏ kỳ vọng, khi được Quốc hội thông qua và đi vào thực tiễn sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

011120241129-1101vh-20.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận, chiều 1.11

Tạo “sức mạnh mềm”

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng: việc xây dựng Trung tâm văn hóa ở nước ngoài là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Bởi, thông qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người văn hóa; đồng thời, góp phần thu hút đầu tư thương mại, du lịch, lan tỏa hình ảnh của các quốc gia và tạo “sức mạnh mềm” của đất nước, của dân tộc... Đối với Việt Nam, đây cũng là một trong những nhu cầu cấp thiết trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

011120241121-1101vh-11.jpg
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phát biểu. Ảnh: N.Đức

Trên cơ sở đánh giá tổ chức, vận hành thực hiện của Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu của nhiệm vụ văn hóa đối ngoại chính trị, an ninh của đất nước, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) thống nhất với kiến nghị của Chính phủ về việc có chương trình, nội dung thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong Chương trình mục tiêu quốc gia… Tuy nhiên, Chính phủ cần quan tâm lựa chọn những nước có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập và có các đối tác dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; đồng thời đánh giá kỹ lưỡng hơn về nội dung, phạm vi quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp, khả thi và hiệu quả.

“Bên cạnh đó, cần có kế hoạch cụ thể nhằm phát huy tối đa việc bảo tồn, phát huy, truyền bá các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề xuất.

Bày tỏ đồng thuận, thống nhất cao về sự cần thiết cần có chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, các ĐBQH kỳ vọng: Khi được Quốc hội thông qua và đi vào thực tiễn, Chương trình sẽ có tính đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.

011120241140-1101vh-27.jpg
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: N.Đức

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng cho rằng: việc xây dựng Trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, cần xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa để phục vụ cho hoạt động của các Trung tâm văn hóa tại nước ngoài tăng hiệu quả… Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung giới thiệu bộ bản sắc văn hóa và những nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam đến với thế giới. “Hiện nay, chúng ta chưa có bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam rõ nét như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Cùng đó, pháp luật cũng chưa quy định cơ quan có thẩm quyền nào được duyệt những bản sắc Việt Nam như quốc phục, quốc hoa”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh lý giải.

011120241119-1101vh-9.jpg
ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) phát biểu. Ảnh: N.Đức

Cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương này, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) nhấn mạnh: Việc xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ giúp giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế; do đó, cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện… “Tôi thấy Hàn Quốc có Trung tâm văn hóa ở Việt Nam để họ giới thiệu, lan tỏa và quảng bá văn hóa. Vậy tại sao chúng ta lại không làm như thế này ở nước ngoài?”, đại biểu Trình Lam Sinh đặt vấn đề.

011120241135-1101vh-24.jpg
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) phát biểu. Ảnh: N.Đức

Nhấn mạnh cần cân nhắc kỹ về sự cần thiết và tính hiệu quả, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) cho rằng, bản chất của việc này là xuất khẩu, quảng bá văn hóa, do đó sẽ phụ thuộc vào khẩu vị và sự yêu thích văn hóa, thậm chí là cả vấn đề chính trị, quan hệ giữa 2 quốc gia… “Nếu xây dựng, cần phải bảo đảm có tính lưỡng dụng cao. Đó là văn hóa, biểu diễn, trưng bày, hội nghị, hội thảo, hội chợ, họp mặt… để tăng tính hiệu quả”, đại biểu nói.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình tối thiểu 77.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng; tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

“Ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào ta ở nước ngoài”

Giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong chương trình đã nêu rõ, việc xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Đây là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và thông qua đó, chúng ta quảng bá, bảo tồn, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…

Việt Nam có 54 dân tộc và việc phát huy, bảo tồn văn hóa của các dân tộc luôn được bình đẳng và được Nhà nước quan tâm. Hiện, chúng tôi đang tập trung theo hướng phát huy, sử dụng sức mạnh của chủ thể; tiếp tục liên hệ với các cơ quan để giữ gìn và khi chương trình này được thông qua sẽ tập trung các giải pháp để tổ chức thực hiện, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

“Đây là ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào ta ở nước ngoài. Khi thực hiện, Chính phủ sẽ hết sức lưu ý, dựa trên các hiệp định giữa hai Chính phủ, quan hệ với các nước theo nguyên tắc đối đẳng; ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Dự kiến, sẽ lựa chọn từ 3 - 5 Trung tâm cần ưu tiên đầu tư xây dựng theo thứ tự”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

011120241126-1101vh-17.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: PV

“Người đồng cấp của tôi là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc trong cuộc trò chuyện mới đây đã chia sẻ, được Chính phủ giao làm 80 Trung tâm văn hóa ở 80 quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng thông tin từ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, "không thể so sánh với Hàn Quốc”. Bởi, việc xây dựng Trung tâm văn hóa ở nước ngoài phải tính toán và căn cứ trên nhiều yếu tố (như: nguồn lực, địa bàn, quốc gia có nhiều kiều bào sinh sống, nhu cầu và khả năng phát triển ở đó như thế nào?...) mới trình Chính phủ xem xét, tính toán để có giải pháp hiệu quả và phù hợp.

Liên quan đến nguồn vốn khác trong dự thảo đề xuất chủ trương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết: “Trong Kết luận số 100-KL/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh rõ là huy động, phát huy tối đa nguồn lực nhà nước và xã hội để đầu tư phát triển văn hóa”… Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Chương trình.

Văn hóa - Thể thao

Sáng tạo dựa trên chiều sâu văn hóa
Văn hóa

Sáng tạo dựa trên chiều sâu văn hóa

Trước sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nghệ thuật múa Việt Nam đang nỗ lực khẳng định bản sắc. Trong quá trình ấy, các nghệ sĩ phải vượt qua không ít thách thức để mang đến góc nhìn mới mẻ và độc đáo, hài hòa chiều sâu văn hóa và sáng tạo, chạm đến cảm xúc khán giả.

“Dòng chảy” của 3 nữ họa sĩ
Văn hóa - Thể thao

“Dòng chảy” của 3 nữ họa sĩ

Cuộc gặp gỡ hữu tình đầy duyên phận của ba nữ họa sĩ thuộc ba thế hệ: Đinh Thị Kim Liên (sinh năm 1967), Trang Thanh Hiền (1974), Hoàng Hương Giang (1988). Ba khuôn hình dẫu không giống nhau nhưng có chung niềm đồng cảm.

T&T Group và JTA (Qatar) hợp tác phát triển Tổ hợp thể thao và công viên Disneyland tại Hà Nội
Du lịch - Thể thao

T&T Group và JTA (Qatar) hợp tác phát triển Tổ hợp thể thao và công viên Disneyland tại Hà Nội

Tập đoàn T&T Group và JTA - tập đoàn đầu tư quốc tế hàng đầu của Qatar đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc nghiên cứu phát triển dự án Tổ hợp thể thao đa năng và công viên giải trí Disneyland với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 4,5 tỷ USD tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện phát triển văn hóa
Văn hóa

Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện phát triển văn hóa

Chiều nay, 1.11, Quốc hội sẽ thảo luận chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; nếu được Quốc hội thông qua, Chương trình được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; tập trung nguồn lực tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện phát triển văn hóa.

Biểu diễn múa truyền thống của đồng bào Khmer (Sóc Trăng) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Kim Anh
Văn hóa - Thể thao

Về miền di sản tinh hoa và bản sắc

Chuỗi hoạt động với chủ đề “Về miền di sản tinh hoa và bản sắc” sẽ diễn ra từ ngày 1 - 30.11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam góp phần giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, thu hút khách du lịch; hưởng ứng Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024.

Cân nhắc khả năng huy động nguồn lực, tạo cơ sở cho văn hóa phát triển
Văn hóa - Thể thao

Cân nhắc khả năng huy động nguồn lực, tạo cơ sở cho văn hóa phát triển

Cho rằng việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc khả năng huy động, bố trí nguồn lực, làm rõ quy mô đầu tư để bảo đảm khả thi, hiệu quả.