Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI với sự tham gia của 8 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang với hơn 400 cán bộ, nghệ nhân, diễn viên, hướng dẫn viên, vận động viên tham dự.
Đến với Ngày hội, người dân, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao giàu bản sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực...
Điểm nhấn của chương trình là việc trình diễn các nghi lễ dân tộc đặc sắc, người dân và du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống, đắm mình vào không gian các lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân; trải nghiệm các môn thể thao, trò chơi dân gian; khám phá vẻ đẹp con người, vùng đất xứ Lạng và các tỉnh tham gia Ngày hội.
Mở đầu buổi trình diễn là nghi lễ Cấp sắc, là một nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại huyện Tam Đảo, được thực hiện với ý nghĩa công nhận cấp bậc của các thầy cúng.
Người Sán Dìu quan niệm, để cuộc sống bình an, hạnh phúc, cần đến vai trò của người thầy cúng. Các thầy cúng đảm nhiệm việc cúng bái trong các lễ tang, lễ cưới, lễ cúng mụ… của đồng bào. Thầy cúng là những người có học thức, am hiểu sâu rộng, có uy tín, đức độ, biết đối nhân xử thế. Gia đình thầy cúng phải là gia đình nền nếp, sống hòa thuận, có uy tín với cộng đồng làng, bản. Trong cộng đồng người Sán Dìu đã duy trì phong tục lễ Cấp sắc với ý nghĩa công nhận năng lực hành nghề và cấp bậc của các thầy cúng. Những người muốn làm thầy cúng trước hết phải trải qua lễ Đại Phan, tức trình làng, gia nhập vào hàng ngũ những người làm thầy cúng. Lễ này do một thầy cúng đứng đầu điều hành công việc. Buổi lễ diễn ra long trọng với đầy đủ những nghi thức tế lễ. Sau lễ Đại Phan, nhiều thầy có điều kiện về kinh tế lại tổ chức lễ Cấp sắc tại gia đình.
Lễ Cấp sắc có 3 cấp bậc, được thực hiện tuần tự từ thấp lên cao, tương ứng với cấp bậc của các thầy cúng. Cấp bậc đầu tiên là Lọc sộ. Sau khi tiến hành các thủ tục, nghi thức cho buổi lễ, thầy cúng được cấp “chứng chỉ” hành nghề gồm một ấn Thái Thượng Lão Quân và một ấn Phật.
Cấp bậc thứ 2 là Hoi sèo và cấp bậc thứ 3 là Chống sọn. Chống sọn là cấp bậc cao nhất, là bậc thầy của các thầy cúng. Bậc này chỉ làm khi người được cấp sắc tuổi đã cao (trên 60 tuổi)…
Nghề thầy cúng trong đồng bào dân tộc Sán Dìu mang tính chất trao truyền, thường trong gia đình, dòng họ có người làm nghề thầy cúng truyền lại cho con cháu. Lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở huyện Tam Đảo là 1 trong 3 di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy năm 2023 - 2024.
Cũng tại đây đã trình diễn Lễ gọi vía của người Sán Dìu tại Bắc Giang.
Lễ Gọi vía là một nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu của đồng bào dân tộc Sán dìu tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang từ xa xưa để lại. Theo quan niệm của người Sán dìu thì con người ta tồn tại được khỏe mạnh là do phần vía người và phần xác luôn gắn chặt với nhau; song vía người thỉnh thoảng rời thân xác đi du ngoạn không về nhập vào xác nên người sinh ra ốm đau, bệnh tật. Muốn người khỏe mạnh phải mời thầy Tào, bà Phụt đến nhà tổ chức lễ Gọi vía về nhập vào thân thể để người khỏe mạnh. Trong đó lễ Gọi vía cho trẻ thơ được nhiều gia đình tổ chức. Đây là một trong những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh của người Tày, Nùng, Sán dìu thể hiện sự quan tâm của gia đình cộng đồng đối với trẻ thơ…
Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của dân tộc Lô Lô tại tỉnh Hà Giang. Đây là nghi lễ mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản. Sau khi hết một năm để chào đón năm mới, cầu cho mưa thuận, gió hòa, bà con dân bản, gia đình dồi dào sức khỏe, không ốm đau bệnh tật và nhà nhà, mọi người sống đoàn kết, hạnh phúc.
Trong không gian văn hóa độc đáo cổ xưa của dân tộc Lô Lô, nghi lễ cúng tổ tiên là nghi lễ mang tính thiêng liêng, cùng với trống đồng, điệu nhảy, điệu múa, trang phục... tất cả đều đặc sắc, độc đáo đầy chất nghệ thuật riêng có của người dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang.
Cũng tại sự kiện đã diễn ra Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ. Đây là nghi lễ trọng đại của người Sán Chỉ ở huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Lễ được tổ chức dành cho thanh, thiếu niên ở độ tuổi từ 9- 17 tuổi muốn được coi là người trưởng thành và nhận được sự thừa nhận của dòng họ, cộng đồng.
Lễ trưởng thành thường được tổ chức từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Lễ gồm có các nghi lễ: trình diện, lên đèn, giáng sinh, trình diễn múa mặt nạ Kadong. Nghi lễ độc đáo này tượng trưng cho đứa trẻ được sinh ra lần nữa để là người trưởng thành. Kết thúc lễ giáng sinh, đám cấp sắc thể hiện vui mừng với người đeo mặt nạ Kadong hình ma quỷ xuất hiện và trêu đùa những người có mặt trong buổi lễ. Lễ trưởng thành của cộng đồng người Sán Chỉ hàm chứa những giá trị văn hóa sâu sắc, hướng về cội nguồn, gìn giữ di sản văn hóa người Sán Chỉ nơi biên cương của Tổ quốc.