Nhiều tiềm năng
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Lê Văn Minh, các tỉnh vùng Đông Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa lịch sử - cách mạng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng... Đây là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời với các phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Nơi đây cũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những địa danh nổi tiếng như: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang), Tây Yên Tử (Bắc Giang)… đã được đánh giá là các điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Không chỉ vậy, vùng Đông Bắc còn có giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, gắn với các di tích lịch sử, cách mạng như An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên); chợ Đồn (Bắc Kạn); Tân Trào (Tuyên Quang); quần thể di tích lịch sử Pác Bó, cụm di tích Bác Hồ với chiến dịch biên giới 1950, khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng); căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn). Ngoài ra, khách du lịch đến nơi đây có thể tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng địa phương, tìm hiểu phong tục tập quán, thưởng thức các món ăn truyền thống, các làn điệu âm nhạc dân gian... Bởi vùng núi Đông Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, La Chí, Pu Péo, Cờ Lao….trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với các nhóm ngôn ngữ khác nhau: Tày – Thái, Mông – Dao, Việt – Mường, Hoa, Tạng – Miến. Các dân tộc ở Đông Bắc, dù đông người hay ít người vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo của mình. Mỗi dân tộc đều có di sản văn hóa riêng, làm nên tính độc đáo, đặc sắc của vùng đất…. Sự phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Đông Bắc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, tạo việc làm và sinh kế cho cộng đồng; đồng thời góp phần phát triển du lịch cả nước…
Tuy vậy, nhìn nhận về tiềm năng và phát triển du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc, các đại biểu cũng cho rằng: thực tế các hoạt động phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Đông Bắc trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sự đóng góp của du lịch trong cơ cấu kinh tế địa phương còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cùng với đó, việc khai thác các giá trị tài nguyên đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch còn thiếu tầm nhìn tổng thể nên các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, kém hấp dẫn, chưa phát triển rõ nét các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu của mỗi địa phương và toàn vùng...
Gắn du lịch với văn hóa, lịch sử
Từ thực trạng nêu trên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân cho rằng: Thông qua hội thảo, ngành du lịch các tỉnh Đông Bắc sẽ cùng nhau tháo gỡ, trao đổi, phân tích, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân: Các tỉnh trong vùng Đông Bắc sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nhất là sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa. Việc liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng Đông Bắc có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục những hạn chế...
Bên cạnh đó, thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có chất lượng cao... từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và phát huy những lợi thế trong phát triển du lịch không chỉ riêng của một tỉnh, mà còn cho toàn vùng. Đối với vùng Đông Bắc, nơi mà các giá trị về tài nguyên tự nhiên và văn hóa và các điều kiện khác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh khá tương đồng, do vậy việc liên kết hợp tác có ý nghĩa trong thực hiện những mục tiêu phát triển chung của toàn vùng.
Theo Trưởng khoa Du lịch (Đại học Văn hóa Hà Nội) - PGS.TS. Bùi Thanh Thuỷ: Với những giá trị văn hóa, lịch sử tiềm năng phong phú về du lịch cảnh quan, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, du lịch vùng biên đã và đang góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch, thúc đẩy tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch của các địa phương, thu hút các nhà đầu tư đến khai thác các tiềm năng và tăng khả năng thúc đẩy khách du lịch đến với mỗi địa phương nói riêng và toàn vùng Đông Bắc nói chung.
Chia sẻ các điểm du lịch đã được các địa phương khai thác thành công, bà Thủy dẫn chứng: tại Cao Bằng phát triển du lịch gắn liền Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, khu di tích mộ Kim Đồng, làng Khuổi Kỵ/ đá cổ (Hà Quảng), Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong. Tại Bắc Kạn cũng đã phát triển du lịch gắn với quần thể di tích ATK - Chợ Đồn (Ngân Sơn - Chợ Đồn); di tích lịch sử Nà Tu, Đồn Phủ Thông (Bạch Thông); di tích lịch sử chiến thắng Đèo Giàng (Ngân Sơn… Các chương trình du lịch hoài niệm đến với các di tích lịch sử cách mạng đặc trưng của vùng đã và đang triển khai bao gồm chương trình đi bộ theo những con đường lịch sử, tái hiện các sự kiện quan trọng, tham quan các di tích lịch sử cách mạng.
PGS.TS. Bùi Thanh Thuỷ cho rằng: Thời gian tới, ngành văn hóa tại các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch như tái hiện lại các sự kiện lịch sử qua các màn kịch, tái hiện không gian sống trong hầm trú ẩn; khu quân sự và tham gia lễ hội địa phương để cảm nhận không khí của quá khứ thông qua chương trình thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR)...