Không rõ quan điểm và cơ chế, sẽ khó triển khai

- Thứ Tư, 19/06/2024, 06:25 - Chia sẻ

Luật Di sản văn hóa được sửa đổi toàn diện nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thời gian qua; đồng thời tạo hành lang pháp lý để kịp thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Thế nhưng, để đáp ứng mục tiêu, theo các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nhất là thể hiện rõ quan điểm, quy định rõ quy chế ở những nội dung mới, phức tạp.

Rõ quan điểm, rõ cơ chế, hài hòa lợi ích 

Theo ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hiện nay, nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp, di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị thất truyền... “Do đó, xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội ngày càng tốt hơn, tạo điều kiện cho các thành phần được tham gia và được thụ hưởng một cách chính đáng, từ sự đóng góp đó sẽ góp phần bảo tồn nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng, các kỹ thuật, thậm chí là những bí quyết hay sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc đang mất dần”.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát tại Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), tháng 7.2023 - Ảnh: Nhật Linh
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát tại Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), tháng 7.2023. Ảnh: Nhật Linh

Đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa như ưu đãi đầu tư, hỗ trợ giảm, miễn thuế, khuyến khích mở rộng các bảo tàng tư nhân, các bộ sưu tập của tư nhân... Cũng có ý kiến cho rằng, phải quy định cụ thể đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa, đồng thời có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ trong các văn bản dưới luật để mọi tổ chức, cá nhân có cơ hội tiếp cận các chính sách ưu đãi này.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) thống nhất với dự thảo Luật ở quy định về bảo tàng ngoài công lập và định hướng phát triển của bảo tàng ngoài công lập, song đề nghị cần cụ thể hơn. “Trong dự thảo Luật mới tính đến chuyện các bảo tàng ngoài công lập phát triển như thế nào mà không rõ quan điểm tăng thêm hay giữ nguyên số lượng bảo tàng ngoài công lập như hiện nay. Trong thực tế, rất nhiều cá nhân có sẵn hiện vật hoặc tư liệu quý với số lượng lớn. Vấn đề là có cơ chế và thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước để có thể đưa những tư liệu, hiện vật này ra phục vụ công chúng”.

Quy định phải vừa chặt chẽ, vừa thuận lợi

 Tham gia đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc tại một số địa phương, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết còn nhận thấy, việc triển khai thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hiện nay có nhiều vướng mắc. Theo quy định phải triển khai thực hiện theo dự án đầu tư công, mà trong dự án đầu tư công có một số quy định cụ thể liên quan đến đấu thầu, chứng chỉ... Trong một số trường hợp không thể triển khai theo các thủ tục đó. Ví dụ, như việc trùng tu một số công trình ở Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), ở Việt Nam không được cấp chứng chỉ cho thợ trực tiếp làm, mà thợ xây dựng thông thường lại không làm được công việc đó.

Điểm c, Khoản 1, Điều 34, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, di sản, văn hóa, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và quy định pháp luật có liên quan. Quy định như thế là chặt chẽ, nhưng đại biểu băn khoăn, có triển khai được trong thực tiễn không, hay sẽ bị vướng? Bởi vì, có chỉ định được một công ty nào đó của nước ngoài hoặc một tổ chức nào đó của nước ngoài mà chỉ họ mới thực hiện được việc tu bổ công trình đó hay không, hay sẽ phải qua những bước khác? “Chúng ta phải nghiên cứu để khi sửa luật có sự đồng bộ giữa các luật với nhau và tạo điều kiện để thực hiện một công việc vốn dĩ rất tốn tiền và rất khó, tránh tình trạng sau khi tu bổ, phục hồi xong, các di tích không còn giữ được bản sắc ban đầu”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương, việc xác định khu vực bảo vệ II của di tích quá rộng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội. Điều 25, dự thảo Luật có quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ I, nhưng đối với khu vực bảo vệ II chỉ quy định chung: “Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh, tiếp giáp khu vực bảo vệ I của di tích, để bảo vệ cảnh quan văn hóa của di tích”. Vì thế, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề nghị “quy định cụ thể nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II của di tích trong dự thảo Luật để việc xác định khu vực khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích đạt hiệu quả, chất lượng. Như thế, vừa bảo vệ di tích chặt chẽ, vừa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nơi có di tích”.

Khoản 2, Điều 27, dự thảo Luật, quy định việc thực hiện quy trình dự án sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, quy định như vậy thuận lợi hơn cho người dân, song đề nghị bổ sung quy định về trường hợp “được xác định là có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích đối với công trình nhà ở riêng lẻ” làm căn cứ để các hộ gia đình, cá nhân đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước, và cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để thực hiện quy định liên quan đến việc cho ý kiến theo quy định của Luật, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.  

Ngọc Hà
#