Giữ nét đẹp tín ngưỡng các dân tộc Việt Nam: Tránh làm biến tướng

- Thứ Sáu, 08/12/2023, 06:50 - Chia sẻ

Thời gian qua, nhiều loại hình tín ngưỡng được gìn giữ và phát huy, tuy nhiên  cũng không ít giá trị văn hóa bị mai một, đồng thời có cách hiểu, thực hành sai lệch làm biến dạng nghi lễ truyền thống…

Vượt ra khỏi truyền thống

Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng tồn tại phổ biến và lâu bền nhất, trở thành một nét văn hóa chủ đạo của người Việt. Trước Đổi mới, thờ cúng tổ tiên tập trung theo gia đình, dòng họ (huyết thống gần) trong phạm vi làng xã, dòng họ xa không được đề cao. Phần lớn nhà thờ họ, phần mộ của các gia đình đơn giản, quy mô nhỏ, trừ số ít gia đình có điều kiện kinh tế.

Tránh làm biến tướng giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu. Ảnh: tienphong.vn
Tránh làm biến tướng giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu. Nguồn: tienphong.vn

Từ Đổi mới đến nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trở nên sôi động hơn, như hoạt động cúng lễ được tổ chức trang trọng, quy mô lớn; xây dựng nhà thờ, phần mộ của dòng tộc được đầu tư theo hướng khang trang, to đẹp; sự liên kết trong mỗi dòng họ ngày càng chặt chẽ, phạm vi càng mở rộng với sự ra đời của nhiều “ban liên lạc”, “ban chấp hành” dòng họ trong phạm vi vùng, miền, thậm chí cả nước cùng với nhiều hoạt động không chỉ thuần túy thờ cúng tổ tiên dòng họ mà còn giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau...

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, tục thờ cúng tổ tiên thời gian gần đây xuất hiện một số hiện tượng như huy động của cải vật chất lớn để xây dựng phần mộ dòng họ, tổ chức lễ giỗ lớn, đôi khi bị lợi dụng vì lợi ích cá nhân, hoạt động mê tín dị đoan. Xu thế ganh đua một cách thái quá trong xây dựng nhà thờ, phần mộ của dòng tộc, gia đình, với tâm lý nhà thờ, phần mộ nhà mình, họ mình phải hơn nhà khác, họ khác…

Mặt khác, hoạt động thờ cúng tổ tiên vượt ra khỏi truyền thống dân tộc có xu hướng liên kết dòng họ trong phạm vi huyện, tỉnh, toàn quốc, mối quan hệ khá phức tạp cùng họ nhưng chưa chắc cùng huyết thống hoặc quá xa so với quan niệm cũ (5 đời), không phân biệt được thứ bậc, bầu lên thành tổ chức (tuy lỏng lẻo) cấp toàn quốc, cấp tỉnh, cấp huyện…

Nở rộ dịch vụ tâm linh

Trong hoạt động thờ thần thánh của người Việt, gần đây được quan tâm nhất là hoạt động thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Theo thống kê, cả nước có khoảng hơn 7.000 đền, phủ, miếu, đình, điện, chùa thờ Mẫu, với hàng vạn người tin theo. Hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu với hình thức hát văn và hầu đồng hiện nay biến đổi theo hướng đi vào những khía cạnh văn hóa, như du lịch hành hương, thưởng thức các khía cạnh văn hóa trong hát văn và hầu bóng nhằm nâng cao ý thức cho cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các giá trị nhân văn trong thờ Mẫu…

Tuy vậy, theo GS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, sau khi được UNESCO ghi danh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trở nên nổi tiếng và được nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh đó, một số thanh đồng dưới danh nghĩa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản đã tiến hành nghi lễ bên ngoài không gian thiêng, tình trạng sân khấu hóa hầu đồng diễn ra mạnh mẽ. Một số thanh đồng do đặt nặng yếu tố thị trường đã tranh thủ “núp bóng di sản” để trục lợi, kiếm tiền từ việc phát triển các dịch vụ tâm linh. Một số thầy đồng lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của tín đồ để phán truyền, dọa nạt phải sắm nhiều đồ lễ, tiền vàng dâng cúng, làm tổn hại đến tinh thần, tiền của, thậm chí đẩy một số người vào cảnh nợ nần, cầm cố, khuynh gia bại sản, gia đình lục đục… Thực tế này gây xói mòn giá trị tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cần quy định thống nhất như: xây dựng, tôn tạo đền phủ, bài trí, đốt vàng mã, trang phục, vũ đạo, phán truyền… Sự phân tán, thiếu sự quản lý nhà nước đối với tín ngưỡng thờ Mẫu thời gian qua đã gây nên sự xô bồ, thậm chí hỗn loạn trong sinh hoạt tín ngưỡng, tạo điều kiện cho các hoạt động đi ngược lại giá trị tốt đẹp vốn có của tín ngưỡng thờ Mẫu, gây mất trật tự công cộng.

Biến dạng nghi lễ

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội. Dựa vào đặc điểm, tính chất của các lễ hội cho thấy chủ yếu là lễ hội tín ngưỡng, chiếm khoảng 90% tổng số lễ hội.

Là một trong những nét sinh hoạt văn hóa được duy trì từ hàng nghìn năm, lễ hội tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc. Sau thăng trầm lịch sử, nhiều lễ hội tín ngưỡng chuyển biến theo hướng ngày càng tiến bộ, vừa giữ gìn bản sắc, vừa nêu cao ý nghĩa giáo dục truyền thống, tăng cường và góp phần làm phong phú, lành mạnh hơn đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Nhưng không ít địa phương cũng đang có xu hướng mở hội nhiều, tần suất cao cùng sự lãng phí là ganh đua, phô trương thanh thế dòng họ, làng xã trong tổ chức lễ hội. Nhiều nơi mở lễ hội không cần “có tích”, nâng cấp lễ hội không cần tiêu chí, đưa thêm vào nhiều yếu tố mới lạ làm biến dạng nghi thức đã định hình.

Mặt khác, do đời sống vật chất được cải thiện, nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng có xu hướng tăng nên số người tham gia lễ hội và cầu xin thánh thần tài lộc ngày càng đông, thậm chí đã trở thành “niềm tin” trong một số bộ phận Nhân dân, đang có xu hướng biến tín ngưỡng thành nhu cầu “cầu xin” thái quá. Vẫn còn hiện tượng một số người cuồng tín, lợi dụng tâm linh, bói toán, xin xăm xóc thẻ...

Những biến đổi trên đã khiến nhiều chốn tôn nghiêm, không gian linh thiêng bị trần tục hóa. TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, không ít lễ hội đang bị biến tướng, đặt nặng về kinh tế như vàng mã, đồ lễ có giá lên tới vài triệu đồng, chen lấn dâng sao giải hạn… Đáng chú ý là một số lễ hội tín ngưỡng được tổ chức quy mô lớn và cầu kỳ hơn trước, song cơ sở vật chất, đặc biệt là dịch vụ chưa đáp ứng. Không gian hội đang bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa, không gian thiêng của lễ và hội bị không gian dịch vụ sinh lời lấn át... làm giảm tính tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội. 

Những biến đổi, mai một ấy đòi hỏi sớm có giải pháp nhằm phát huy những nét đẹp, hạn chế biến tướng trong hoạt động tín ngưỡng.

Thảo Nguyên
#