Bảo tồn, phát huy giá trị di sản then của người Tày, Nùng, Thái

Giữ giá trị gốc trong không gian thiêng

- Chủ Nhật, 27/08/2023, 07:42 - Chia sẻ

Để then được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại, các chuyên gia cho rằng, phải đa dạng hóa phương thức bảo tồn di sản trên cơ sở lưu giữ những giá trị nguyên gốc, để then được sống trong không gian thiêng của cộng đồng.

Di sản sống trong cộng đồng

Nhìn lại hành trình của then, từ giữa thế kỷ XX, mặc dù cấm đoán hoạt động mê tín dị đoan, trong đó có một số hoạt động thực hành nghề then nhưng sức sống của then vẫn âm ỉ trong cộng đồng. Song song với đó, chính quyền - thông qua các cơ quan văn hóa đã có chủ trương sưu tầm, nghiên cứu để bảo tồn, phát huy các giá trị của then. Tuy nhiên, ứng xử với văn hóa tín ngưỡng không hề đơn giản. PGS. TS Nguyễn Thụy Loan chỉ ra điểm “khó” này: phải làm sao để một mặt tôn trọng nhu cầu tâm linh của người dân nhưng vẫn hạn chế được những mặt tiêu cực, gây tổn hại đến sức khỏe, gây lãng phí kinh tế cũng như ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đồng thời phải làm sao để kho tàng văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú do các thầy then nắm giữ - vốn tập trung nhiều nhất ở then cúng bái, then đại lễ, được bảo tồn, phát huy.

Phổ biến, tuyền dạy hát then, đàn tính để thực hành then được bảo vệ, phát huy, phát triển trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái. Ảnh: Quang Hòa
Phổ biến, truyền dạy hát then, đàn tính để thực hành then được bảo vệ, phát huy, phát triển trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái. Ảnh: Quang Hòa

Chưa kể, đứng trước bối cảnh hội nhập, sức ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai ngày càng lớn, then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác ở nước ta đang có nguy cơ mai một. Trong cộng đồng người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc, thầy then được coi là những người có khả năng tiếp cận thế giới siêu nhiên, làm cầu nối giữa người trần với các đấng thần linh. Ngoài việc am hiểu phong tục, tập quán dân tộc, họ còn là những nghệ sĩ dân gian thực thụ, giỏi đàn, hát, múa nghi lễ. Theo số liệu kiểm kê ở 11 tỉnh miền núi phía Bắc vào thời điểm then được UNESCO ghi danh cuối năm 2019, có 817 thầy then (213 nam, 604 nữ); trong đó có 439 người Tày, 328 người Nùng, 23 người Thái và 27 người ở các tộc người: Kinh, Cao Lan, Dao, Hoa… Tuy nhiên, những nghệ nhân nắm giữ then cổ đang ngày càng thưa vắng.

Di sản then chủ yếu được trao truyền bằng cách thức truyền khẩu, kế tục thế hệ thông qua thực hành nghi lễ then. Thầy then đóng vai trò chính yếu, không thể thay thế trong việc truyền dạy các kỹ năng và bí quyết liên quan. Bởi vậy, để bảo tồn di sản then, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho rằng, bên cạnh công tác sưu tầm, phục dựng các điệu then cổ, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần dành sự quan tâm hơn tới các nghệ nhân then, là những “báu vật sống”.

Quan tâm, tôn trọng vai trò của cộng đồng, đặc biệt là các nghệ nhân là nguyên tắc quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản then. Nhấn mạnh điều này, PGS.TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phân tích, thực hành then là di sản văn hóa phi vật thể. Một di sản văn hóa phi vật thể có thể biến đổi, có thể nhuốm màu sắc khác ở từng thời điểm khác nhau, nhưng sự thay đổi đó phải phụ thuộc và được công nhận bởi cộng đồng - chủ nhân của di sản. Thực hành then đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của 3 dân tộc Tày, Nùng, Thái, đã tồn tại trong cộng đồng một cách tự nhiên. Cho nên, bảo tồn then một cách đúng đắn là để cho thực hành then được sống trong cộng đồng. Những nghệ nhân, cộng đồng được tự quyết về các thực hành văn hóa tâm linh, tín ngưỡng gắn liền với then.

Mở rộng không gian thực hành

Theo các nhà nghiên cứu, trong thực tế việc bảo tồn, phát huy then đã được chính cộng đồng chủ nhân nắm giữ di sản quan tâm, thực hiện từ lâu - ngay khi then vẫn còn là loại hình sinh hoạt văn hóa cổ truyền. Điều này được minh chứng bằng việc cộng đồng Tày, Nùng, Thái từ xưa kia đã mở rộng môi trường, mục đích diễn xướng và chuyển hóa loại hình then nghi lễ tín ngưỡng thành những dạng thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật mang yếu tố tâm linh và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thuần túy thế tục, nhằm phục vụ những nhu cầu trong đời sống. Về sau, dựa trên tư liệu nghiên cứu về then, nhiều tác phẩm âm nhạc, tác phẩm múa ra đời trên cơ sở khai thác chất liệu của then.

Bên cạnh then cổ dần hình thành một loại then mới phục vụ cuộc sống đương đại. Từ những làn điệu then cổ phổ biến, nhiều nhạc sĩ đã viết lời mới để nội dung phù hợp hơn với cuộc sống đương đại. Then từ không gian thiêng đã được đưa đến không gian sân khấu, để phô diễn những đặc sắc cẩu then, để then gần gũi hơn với khán giả hiện đại cũng như góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của con người thời đại mới. Đây là một hướng đi phù hợp bởi di sản văn hóa phi vật thể luôn có sự vận động theo đời sống, thời gian và việc sân khấu hóa tín ngưỡng cũng là phương tiện để tiếp tục truyền bá tri thức về di sản văn hóa dân tộc. Nói như nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: khi ngôn ngữ, sinh hoạt thay đổi thì nghệ thuật cũng biến đổi. Để di sản “sống” khỏe trong đời sống đương đại thì cần có những yếu tố phù hợp với đời sống mới. Từ những yếu tố đó mà dẫn dắt mọi người hiểu, tìm về giá trị gốc của di sản. 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc phát huy giá trị di sản then theo cách thức mới là làm sao vận động được lớp trẻ tham gia hát then, đàn tính. Hiện nay các câu lạc bộ then phần lớn là lớp trung niên, cao niên mà thiếu gương mặt trẻ. Do đó, Nhà nước và ngành văn hóa cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên cộng đồng, nhất là lớp trẻ tham gia, làm cho nghệ thuật then trong sinh hoạt cộng đồng ngày càng sinh động. Về lâu dài, đây là cách làm cần thiết, cần đẩy mạnh để thực hành then được bảo vệ và ngày càng phát triển trong cộng đồng Tày, Nùng, Thái.

Ngọc Phương - Thái Minh