Xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao

Đầu tư trọng tâm, quản lý đồng bộ

- Thứ Sáu, 02/06/2023, 06:05 - Chia sẻ

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trao đổi bên lề phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các thiết chế này, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.

Chưa bảo đảm quy chuẩn

“Đắk Nông có nhiều khó khăn của một tỉnh mới thành lập (năm 2004) nhưng đến nay, với sự đồng hành của các bộ, ngành, sự lãnh đạo của tỉnh, các thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh ngày càng được đầu tư, với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đắk Nông, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, khu thể thao, vui chơi… Đặc biệt, hệ thống thư viện đã “phủ sóng” tất cả các huyện, thư viện nhà trường được tăng cường. Hàng năm, nhiều chuyến xe lưu động đã đưa sách, mang kiến thức đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa” - ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) chia sẻ.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở - Ảnh: Ánh Nguyệt
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ảnh: Ánh Nguyệt

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, 640/713 bon, buôn, bản có nhà văn hóa, khu thể thao thôn; hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống của người dân cũng như tăng cường giao lưu giữa đồng bào các dân tộc. Nhà văn hóa cộng đồng là nơi diễn ra hội nghị tập huấn, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa các nghị quyết của địa phương vào đời sống. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, câu lạc bộ dân vũ, đàn tính - hát then, lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ… được tổ chức ở nhà văn hóa cộng đồng. 

Ở phía Bắc, ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho biết, Tuyên Quang hiện có 7 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý; 7 Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện; 134/138 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 1.680/1.733 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao. Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tổ chức các loại hình văn hóa, thể thao phù hợp là thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Âu Thị Mai, do điều kiện kinh tế của tỉnh khó khăn nên việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hạn chế; hầu hết Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao cấp huyện có diện tích, cơ sở vật chất chưa bảo đảm quy chuẩn; nhiều thiết chế thiếu trang thiết bị hoạt động, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Đây cũng là tình trạng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nhiều tỉnh, thành phố. ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái) nêu thực tế, vẫn còn một số ít địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa quy hoạch quỹ đất cho xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao xã, thôn, bản; những xã ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc xây dựng các thiết chế này gặp nhiều khó khăn. Năng lực của cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động tại nhà văn hóa thôn, bản có mặt hạn chế. Riêng các thiết chế dành cho thanh thiếu nhi, mặc dù về cơ bản đã đáp ứng một phần nhu cầu vui chơi, giải trí của thiếu nhi nhất là vào dịp hè, nhưng do thiếu nguồn lực nên trang thiết bị chưa thực sự đa dạng, phong phú...

Ưu tiên nguồn lực, hướng dẫn quản lý, khai thác

Khẳng định các thiết chế văn hóa ở nước ta ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, song ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) cũng chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, bất cập hiện nay. Thứ nhất, kinh phí hoạt động ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp; nhân lực tổ chức khai thác, vận hành các thiết chế này thiếu và yếu về chuyên môn. Công tác quản lý, tổ chức hoạt động trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, thiếu chủ động, sáng tạo.

Thứ hai, một số thiết chế văn hóa ở địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng ít người biết đến hoặc không được quan tâm, dẫn đến nguồn thu hàng năm đạt thấp. Thứ ba, nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi thiết chế văn hóa, thể thao các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của người dân…

Để quản lý, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động tìm giải pháp; đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho biết, Đắk Nông đã ban hành nghị quyết gắn với chương trình phát triển văn hóa như: thực hiện các đề án bảo tồn di sản văn hóa truyền thống; ưu tiên những địa phương có lễ hội, văn hóa đặc sắc để tập trung đầu tư cho các thiết chế văn hóa ở địa phương đó; phát triển du lịch gắn với văn hóa cộng đồng; tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động văn hóa tại địa phương; tăng cường tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng…

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở, tăng cường phối hợp giữa các ngành để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tăng cường kiểm tra nhằm nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Từ đó, tạo điều kiện cho đời sống văn hóa, thể thao của người dân được nâng lên, tác động trở lại đối với sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao…”, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng thông tin.

Ngoài nỗ lực của địa phương, đại biểu Âu Thị Mai kiến nghị Chính phủ cần cân đối bảo đảm nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành hướng dẫn quy chế quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa để các địa phương tổ chức quản lý đồng bộ, thống nhất…

Ngọc Phương - Thái Minh - Hồng Hà