ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Hà Nội):

Không tháo gỡ cơ chế, thiết chế văn hóa khó phát huy

- Thứ Sáu, 02/06/2023, 06:07 - Chia sẻ

Thiết chế văn hóa rất quan trọng trong sự phát triển văn hóa nói chung vì khi có được các thiết chế đủ điều kiện, xứng tầm sẽ tổ chức được các sự kiện văn hóa lớn. Đây cũng là nơi nghệ sĩ thể hiện tài năng, giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm của đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Hà Nội). Ảnh: HS

Tuy nhiên, thực tế đang bộc lộ những khó khăn nhất định, nhiều thiết chế văn hóa đã xây dựng khá lâu, không hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Hoạt động của các thiết chế văn hóa không đa dạng, dẫn đến hiệu quả thấp. Nhiều nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng… vắng khách. Chính vì thế, cần thiết xây dựng thêm các thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, khi bắt tay xây dựng thiết chế văn hóa và để chúng phát huy hiệu quả sau này, cần hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết, do cơ quan quản lý thiết chế văn hóa, đặc biệt là những người quản lý thiếu kỹ năng cần thiết điều hành nó trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, vẫn còn những quán tính tồn tại từ thời bao cấp, điều hành thụ động theo kiểu mở cửa - đóng cửa, mà không nghĩ đến việc làm sao thu hút khán giả, người tham quan, khách du lịch; hay có kỹ năng kinh doanh cần thiết góp phần tạo sức sống mới cho thiết chế văn hóa. Đó cũng là lý do dư luận xã hội khi nhìn vào các thiết chế văn hóa, đặc biệt là khi muốn xây mới nhà hát hay bảo tàng, đều bị phản ứng, đặt câu hỏi nên hay không nên, rồi làm sao để sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có… Điều này là cản trở lớn cho sự phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Hơn nữa, việc vận hành thiết chế văn hóa cũng phải đổi mới để thích nghi. Về chủ quan, có nhiều vấn đề cần tháo gỡ để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Hiểu rộng hơn là sự năng động, sáng tạo và các phẩm chất phù hợp cho sự phát triển đó. Tuy nhiên, còn có những yếu tố khác; cụ thể để có được sự năng động, linh hoạt, phong phú trong hoạt động của thiết chế văn hóa, cần “cởi trói” về cơ chế, chính sách. Ví dụ, cần xây dựng luật về nghệ thuật biểu diễn, luật về hoạt động mỹ thuật… để có hành lang pháp lý phát triển các lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các thiết chế văn hóa.

Khó định giá Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: laodong.vn
Khó định giá Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: laodong.vn

Các văn bản quy phạm pháp luật gián tiếp cũng rất quan trọng để hỗ trợ phát triển văn hóa. Chẳng hạn như khi sửa Luật Điện ảnh đưa ra quy định về ưu đãi thuế trong lĩnh vực điện ảnh, với nhiều hoạt động khác nhau, kể cả ưu đãi cho các đoàn làm phim nước ngoài đến làm phim tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh không có quy định cụ thể nào liên quan đến thuế mà điều này phải nằm trong Luật Thuế, trong khi Luật Thuế lại không có các vấn đề đó.

Hay từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ra đời, Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định, để thuận lợi cho việc liên doanh liên kết với nước ngoài, phải có đề án, tính toán giá trị đất đai, giá trị thương hiệu, giá trị tài sản. Những điều này có thể đúng với doanh nghiệp bên ngoài nhưng lại khó khăn với lĩnh vực văn hóa. Chính vì thế, dù Nghị định 151 không cấm nhưng các bảo tàng, thiết chế văn hóa đều ở khu vực trung tâm, nơi mà giá trị đất đai rất cao khiến cho việc định giá tài sản rất khó khăn, khó liên doanh liên kết. Việc định giá thương hiệu cũng tương tự, như trong định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam, kết quả là, các bên không tính toán được, dẫn đến cản trở quá trình cổ phần hóa, để rồi đến hôm nay vẫn còn khúc mắc…

Xét cho cùng, các bất cập trên đây nếu không được tháo gỡ sẽ khó tạo sức hấp dẫn, đa dạng trong dịch vụ của thiết chế văn hóa, dẫn đến sự đơn điệu, không thu hút được khách tham quan, trở thành vòng luẩn quẩn dễ thấy trong thực tế, đó là không thu hút khách sẽ không được đầu tư, không đầu tư kéo theo chất lượng kém…

Hương Sen ghi