Để không còn là bất thường...

- Thứ Bảy, 28/05/2022, 05:12 - Chia sẻ

Theo số liệu tại hội nghị giao ban công tác tài chính ngân sách tháng 4, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách tháng 5 do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, trong tháng 4, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 160,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng trước. Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 41,2% dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,7% dự toán. Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 49,3% dự toán. Tuy nhiên, vẫn có 3 khoản thu chưa bảo đảm tiến độ dự toán là thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản mới đạt 22,5%; thu quỹ đất công ích, hoa lợi công sản khác đạt 31,9% và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 30,4%.

Về thu ngân sách do ngành thuế quản lý, 4 tháng qua tiếp tục đạt tiến độ khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ do phát sinh các khoản thu từ những năm trước được các tổ chức, cá nhân nộp trong quý I.2022 gồm thu cổ tức được chia của các ngân hàng; thu từ dầu thô tăng 82,6% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất.

Kết quả này, như đánh giá của Bộ Tài chính đã phản ánh sát sự khởi sắc của nền kinh tế. Là việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP và chính sách mở cửa du lịch từ 15.3 đã tác động rõ nét đến kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, còn bởi các chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 phát huy hiệu quả, một số ngành có đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước duy trì được mức tăng trưởng khá.

Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, việc thu ngân sách nhà nước tăng cao những tháng vừa qua cho thấy nền kinh tế nước ta đã và đang trên đà phục hồi tích cực. Tuy vậy, về dài hạn vẫn còn nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu. Bởi vậy, điều quan trọng, như ý kiến của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận tại tổ, Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV là cần đánh giá thực chất vì sao ngân sách nhà nước tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế lại thấp, người dân còn khó khăn?

Theo Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, thu ngân sách năm 2021 đạt trên 1,56 triệu tỷ đồng, vượt trên 16,4% dự toán, nhưng mức tăng GDP thấp, chỉ 2,58%. Đây là điều bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất nhiều thập kỷ do tác động Covid-19. Doanh nghiệp khó khăn là không thể bàn cãi khi nền kinh tế rơi vào phong tỏa, do đại dịch bất khả kháng gây ra. Phân tích thêm về điều này, Chủ tịch Nước cho rằng, tác động của đại dịch trong thời gian dài đã tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của nhà nước. Trong khi đó, nền kinh tế đang đứng trước áp lực lạm phát lớn khi giá nhiều nguyên, nhiên liệu, nhất là xăng dầu liên tục tăng cao. Với độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, các yếu tố đầu vào tăng sẽ kéo theo nhiều khó khăn chung của nền kinh tế.

Bởi vậy, để thu ngân sách nhà nước đạt, thậm chí có thể vượt dự toán, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu, điều quan trọng là cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, cần áp dụng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm huy động các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, để thu ngân sách tăng cao không còn là bất thường.

Ninh Hà