Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 có chuyển biến tích cực
Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm; qua đó, đã phát hiện văn bản chậm hoặc chưa được ban hành, chỉ ra một số văn bản có nội dung chưa phù hợp, chưa khả thi trên thực tiễn, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, từ đó đã đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản khắc phục; có Ủy ban đã chủ động đôn đốc, theo dõi và phối hợp kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Qua giám sát văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan của Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023, thông qua việc ban hành các quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành đối với từng văn bản, thời hạn trình, thời điểm ban hành văn bản; ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc tổ chức triển khai xây dựng, kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật được giao quy định chi tiết, sửa đổi văn bản có nội dung trái pháp luật đã được chỉ ra và kết luận, kiến nghị sau giám sát. So với các kỳ giám sát trước đây, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2023 đã có sự chuyển biến tích cực, đạt những kết quả đáng khích lệ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội còn tồn tại, hạn chế như: hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan còn chưa được quan tâm đúng mức; việc tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ các quy định của Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22.7.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Nghị quyết số 560) còn khó khăn nhất định; quá trình tiến hành giám sát chưa theo đúng trình tự, thủ tục theo dõi, rà soát, phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật; việc giám sát chủ yếu dựa trên cơ sở báo cáo của cơ quan ban hành văn bản; chưa chủ động phát hiện và kịp thời kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định…
Trên cơ sở kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ giám sát năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục quan tâm thực hiện các đề xuất, kiến nghị đã được đề cập trong các báo cáo giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ; có giải pháp kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu tại báo cáo này.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan tăng cường kiểm soát nội dung giao quy định chi tiết trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được giao chủ trì thẩm tra; chủ động giám sát, đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng, thực hiện đúng tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tiến trình nội luật hóa cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý các vấn đề phát hiện qua giám sát. Tiếp tục tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 560, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo dõi, rà soát, phát hiện, xử lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các cơ quan của Quốc hội báo cáo tình hình giám sát văn bản quy phạm pháp luật hàng quý
Qua nghe báo cáo tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội năm 2023 đã có nhiều đổi mới trong công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560. Kết quả đạt được cơ bản đã tốt hơn so với năm 2022, đã bám sát Nghị quyết số 560, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thấy rằng, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa chủ động phát hiện, chưa kịp thời kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý đối với những văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định; nội dung báo cáo của một số cơ quan và số liệu giám sát văn bản còn chưa theo đúng đề cương báo cáo và thực hiện chậm so với hướng dẫn của Tổng Thư ký Quốc hội; các cơ quan chưa có báo cáo về việc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Công văn số 472 ngày 18.5.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trên cơ sở kết quả giám sát lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan làm tốt hơn nữa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách theo đúng tinh thần Nghị quyết số 560 bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục theo dõi, rà soát, phát hiện, xử lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chủ động tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực giám sát thông qua nhiều nguồn đa dạng như Nghị quyết số 560 đã nêu nhằm kịp thời phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, có dấu hiệu trái pháp luật để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, phát huy vai trò của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc giúp Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết, cần xác định rõ phạm vi, nội dung giao quy định chi tiết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xem xét, đánh giá số lượng và chất lượng của dự thảo các văn bản quy định chi tiết trình kèm theo hồ sơ, tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết để hạn chế việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.
Chủ động giám sát, đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng, thực hiện đúng tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật tại Công văn số 472 ngày 18.5.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết hợp hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật với hoạt động giám sát khác như: giám sát chuyên đề, tổ chức phiên giải trình, xem xét giải quyết đơn thư khiếu nại, tổ cáo, công tác rà soát các văn quy phạm pháp luật để đi sâu nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn về nội dung văn bản, đặc biệt là tính khả thi, tác động về kinh tế - xã hội của việc chậm ban hành văn bản hoặc ban hành văn bản không bảo đảm tính hợp hiến, không bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật…
Trên cơ sở đó, tổ chức làm việc, đối thoại, trao đổi với các cơ quan liên quan để có giải pháp tháo gỡ. “Cần coi đây là công việc thường xuyên, liên tục và yêu cầu báo cáo khi có thông tin, không đợi đến cuối kỳ”. Nhấn mạnh yêu cầu này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hàng quý, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổng hợp tình hình giám sát văn bản quy phạm pháp luật và gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.