Cùng dự có các đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ, lãnh đạo UBND thành phố và đại diện các sở, ban ngành liên quan.
Nằm ở khu vực vùng hạ lưu sông Mekong, có chiều dài trên 60 km dọc theo bờ Tây sông Hậu, TP. Cần Thơ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của Quân khu 9 với nhiều cơ quan đại diện của Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn.
Công tác quản lý sử dụng đất quốc phòng luôn được cấp ủy chính quyền địa phương các cấp quan tâm chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc đúng quy định của pháp luật, phát huy được hiệu quả và tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang, các đơn vị đóng quân trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thành ủy, UBND thành phố, lãnh đạo sở, ban ngành và các quận huyện luôn quan tâm chỉ đạo quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về quản lý quốc phòng và khu quân sự. Thành phố chỉ đạo các sở, ngành chú trọng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh.
TP. Cần Thơ đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Khi xây dựng quy hoạch, thành phố đã phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 9, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan tham gia đóng góp vào quy hoạch, không làm ảnh hưởng đến các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Công tác quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn thành phố cũng còn một số hạn chế, bất cập, trong đó có nguyên nhân do địa hình đồng bằng sông nước nên việc triển khai xây dựng công trình phòng thủ gặp nhiều khó khăn, chi phí xây dựng các công trình, nhất là công trình ngầm rất tốn kém.
Đại diện UBND TP. Cần Thơ đề nghị cần có chính sách đặc thù, nhất là về ngân sách để ưu tiên hỗ trợ các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng công trình phòng thủ cho phù hợp với điều kiện địa hình của từng địa phương.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đề nghị thành phố từ thực tiễn tại địa phương đóng góp ý kiến về: mối quan hệ giữa lực lượng chuyên trách với chính quyền địa phương trong quản lý dân cư, xây dựng các công sự hầm hào chiến đấu, chế độ bảo vệ, duy tu các công trình này để phát huy tác dụng trong thời bình cũng như thời chiến; giám sát các công trình...
Các đại biểu cũng đề nghị địa phương tiếp tục nghiên cứu đóng góp ý kiến về: phạm vi ranh giới, quy trình, thủ tục về chuyển đổi mục đích các công trình quốc phòng; chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ để vừa bảo đảm an ninh quốc phòng vừa không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của người dân, địa phương; chế độ chính sách đối với địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan.
Thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đỗ Quang Thành ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự; cảm ơn TP. Cần Thơ đã báo cáo chi tiết, đầy đủ các vấn đề Đoàn khảo sát quan tâm.
Ghi nhận đề xuất, Trung tướng Đỗ Quang Thành đề nghị TP. Cần Thơ tiếp tục nghiên cứu những vấn đề quy hoạch, xác đinh vị trí, phân loại công trình, nhóm công trình, phạm vi ranh giới của bảo vệ các mục tiêu để có những đóng góp, kiến nghị về những vướng mắc, đề xuất giải pháp cho công tác xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
+ Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát một số công trình quốc phòng, khu vực quân sự trên địa bàn thành phố.