Tại hội thảo, báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, thời gian qua, kiểm lâm đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ rừng như: Hệ thống thông tin cảnh báo sớm cháy rừng; ứng dụng công nghệ GIS trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám phát hiện nhanh các điểm có nguy cơ giảm diện tích rừng.
Ngành kiểm lâm đã xây dựng hệ thống phần mềm theo dõi, cập nhật thông tin, cung cấp số liệu về diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng phần mềm SMART trong tuần tra, bảo vệ rừng; quản lý hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Bằng nhiều các giải pháp, chính sách được triển khai thực hiện đã góp phần giảm thiểu số vụ vi phạm và diện tích bị thiệt hại trong bảo vệ và phát triển rừng. Số vụ cháy rừng giảm 1.236 vụ (-39%), diện tích diện tích bị ảnh hưởng giảm 4.358 ha (-34%) trong giai đoạn 2017 - 2022.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa khẳng định: "Là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng không thể một mình kiểm lâm có thể làm được hết mọi việc. Quan trọng nhất là xác định được trách nhiệm các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của những người chủ rừng và có sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Khi có được sự phối kết hợp tốt giữa các bên liên quan thì bảo vệ rừng trong thời gian tới sẽ được tốt hơn".
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đóng góp ý kiến về việc kiện toàn bộ máy kiểm lâm ở địa phương; tăng cường phân cấp, phân quyền trong bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm đa dạng an toàn sinh học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung cơ chế chính sách để địa phương, chủ rừng, người dân và toàn xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng…
Đặc biệt, đứng trước yêu cầu đổi mới, nhất là giai đoạn hiện nay khi khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển đòi hỏi lực lượng kiểm lâm cần có sự đổi mới về tư duy, phương pháp quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công việc hiệu quả hơn. Điều này đòi hỏi ngành phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lực lượng kiểm lâm...