Trong một tuyên bố hôm 9.7, Bộ Môi trường nước này cho biết, tình trạng phá rừng đã giảm xuống chỉ còn hơn 792 km2 (305 dặm vuông) vào năm 2023, giảm so với mức khoảng 1.235 km2 trong năm 2022.
Colombia là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học nhất thế giới và là nơi sinh sống của hàng ngàn loài thực vật và động vật. Tuy nhiên, giống như những nơi khác trong khu vực, Colombia mất đi nhiều cánh rừng do nạn phá rừng mỗi năm.
Chính phủ của Tổng thống cánh tả Gustavo Petro đã đặt mục tiêu bảo vệ môi trường là một trong những ưu tiên quốc gia. Nước này cũng kêu gọi các quốc gia chủ nợ áp dụng chính sách xóa nợ nước ngoài để đổi lấy việc họ sử dụng ngân sách để bảo tồn các khu vực như rừng Amazon, nơi được coi là lá phổi xanh của Trái Đất. Các nhà khoa học cho rằng sự tàn phá rừng rậm Amazon có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia.
"Đây thực sự là tin tốt... nhưng chúng ta chắc chắn không thể nói rằng trận chiến này đã kết thúc", Bộ trưởng Môi trường Susana Muhamad phát biểu với các nhà báo tại Thủ đô Bogota của Colombia.
Tình trạng phá rừng ở khu vực Amazon của Colombia - vốn là nguyên nhân chính đóng góp vào tỷ lệ phá rừng chung trên toàn quốc - đã giảm 38% xuống còn khoảng 443 km2, giảm so với mức gần 712 km2 vào năm 2022.
Tuy nhiên, bất chấp thành tích mạnh mẽ trong việc ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2023, Bộ trưởng Muhamad đã cảnh báo vào tháng 4 rằng nạn phá rừng đã gia tăng vào năm 2024 trong bối cảnh điều kiện khô hạn trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino phát triển mạnh.
Vào tháng 5, các nguồn tin nói với Reuters rằng các biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng xây dựng đường sá trái phép ở khu vực Amazon của Colombia đã bị đình trệ, trong khi Công tố viên môi trường Gustavo Guerrero - người làm việc cho một cơ quan giám sát nhà nước - cho biết sự chậm trễ này là một "thất bại rõ ràng".
Bộ trưởng Muhamad cam kết, Chính phủ Colombia sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch bao gồm trấn áp mạnh tay đối với tội phạm môi trường, tăng cường các thể chế và hợp tác với cộng đồng bản địa để ngăn chặn nạn phá rừng.
Colombia dự kiến sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc COP16 tại thành phố Cali vào cuối năm nay.