Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật được phân loại thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 33, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật được phân loại như sau:
- Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng;
- Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm B là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng;
- Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng thì áp dụng các quy định đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A.
Trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh được miễn trách nhiệm bồi thường đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật?
Tại Điều 35, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:
Điều 35. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra
Tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại Điều 34 của Luật này được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
1. Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại;
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật này, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại;
3. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, tổ chức, cá nhân kinh doanh được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra khi thuộc các trường hợp sau:
- Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật?
Theo quy định tại Điều 32, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật như sau:
- Thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật theo quy định tại Điều 33, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;
- Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trước và sau khi thực hiện việc thu hồi; thực hiện việc thu hồi đúng nội dung đã báo cáo, thông báo và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi.
Lưu ý: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực thi hành từ 1.7.2024.