Tiết kiệm thời gian và công sức
Sự gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp của các vụ án tại Việt Nam trong những năm gần đây đã tạo ra áp lực lớn đối với các thẩm phán, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết và xét xử các vụ án. Một trong những thách thức đáng kể là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét xử. Trước đây, khi cần tra cứu văn bản pháp luật hay tìm kiếm án lệ, thẩm phán thường phải dựa vào các công cụ tìm kiếm như Google. Tuy nhiên, kết quả trả về quá nhiều và đến từ các nguồn không đồng nhất, khiến việc tìm kiếm thông tin chính xác trở nên phức tạp và tốn thời gian.
Nhận thấy những khó khăn này, ngày 15.3.2022, Tòa án nhân dân Tối cao đã triển khai Kế hoạch số 49/KH-TANDTC, áp dụng phần mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán. Đây là sản phẩm do Trung tâm Không gian mạng Viettel phát triển, với hàng trăm nghìn văn bản pháp luật và hơn 1 triệu bản án, giúp các thẩm phán tra cứu các văn bản luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định chính xác theo từng điều, khoản và thời điểm có hiệu lực, đáp ứng nhu cầu công việc của từng thẩm phán.
Sau gần 3 năm sử dụng, phần mềm trợ lý ảo đã phát huy tác dụng tích cực. Các thẩm phán có thể tiết kiệm nhiều thời gian làm việc, dễ dàng tương tác và tham khảo ý kiến chuyên môn từ các đồng nghiệp trên cả nước. Trợ lý ảo trở thành một "thư ký" gắn bó 24/7 với các thẩm phán, cung cấp các chỉ dẫn về pháp luật và tình huống pháp lý, hỗ trợ tra cứu nhanh chóng các vấn đề pháp lý phát sinh.
Bên cạnh đó, phần mềm trợ lý ảo còn có khả năng mã hóa bản án và công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án nhân dân Tối cao, giúp các thẩm phán tiết kiệm thời gian, công sức so với việc mã hóa thủ công trước đây. Trước đây, quá trình mã hóa một bản án có thể mất từ 1 - 5 giờ, thậm chí 1 - 2 ngày đối với những vụ án lớn, nhiều bị cáo; nhưng nay, nhờ trợ lý ảo, công việc này chỉ mất vài giây, tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức. Tính từ năm 2022 đến nay, trung bình trợ lý ảo hỗ trợ từ 10.000 - 15.000 lượt hỏi đáp; mã hóa gần 500 bản án mỗi ngày.
Một tính năng nổi bật khác của trợ lý ảo là khả năng hỗ trợ tra cứu văn bản pháp luật qua ngôn ngữ nói và viết. Thẩm phán chỉ cần nhập hoặc nói yêu cầu, trợ lý ảo sẽ nhanh chóng cung cấp văn bản pháp lý cần thiết từ nguồn tin cậy, thay vì phải mất thời gian lọc qua hàng triệu kết quả trên Internet. Phần mềm còn hỗ trợ soạn thảo một số văn bản tố tụng, rà soát chính tả và các lỗi kỹ thuật trong văn bản.
Đặc biệt, trợ lý ảo còn giúp đỡ các thẩm phán mới vào nghề bằng cách hướng dẫn họ lập kế hoạch, đưa ra trình tự giải quyết vụ án, theo dõi tiến trình và cảnh báo các mốc thời gian quan trọng. Điều này giúp thẩm phán tránh được các lỗi vi phạm tố tụng, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc. Phần mềm còn cung cấp các tình huống pháp lý đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao giải đáp, giúp thẩm phán tham khảo các quyết định giám đốc thẩm và các bản án tương tự, từ đó áp dụng pháp luật một cách thống nhất, tránh sự khác biệt trong việc giải quyết cùng một hành vi pháp lý ở các tòa án khác nhau.
Bảo đảm triển khai đồng bộ và hiệu quả
Được biết, ngay từ khi ra mắt, phần mềm trợ lý ảo này đã được các thẩm phán, thư ký Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tích cực sử dụng tra cứu và tương tác. Riêng trong năm 2024, Tòa án nhân dân hai cấp TP. Hà Nội đã thực hiện hơn 148.600 lượt hỏi đáp, tương tác.
Tại Tòa án nhân dân huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), phần mềm trợ lý ảo cũng nhận được phản hồi, đánh giá tích cực từ các thẩm phán do thân thiện, dễ sử dụng, với đa dạng các hình thức tra cứu. Năm 2024, Tòa án nhân dân huyện Dương Minh Châu được đánh giá là một trong số các đơn vị có lượt tương tác với phần mềm trợ lý ảo cao, với 51 lượt trao đổi tình huống pháp lý, 558 câu hỏi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, hơn 18.900 lượt bình luận và 179 lượt phản hồi với trợ lý ảo.
Mặc dù phần mềm trợ lý ảo đã giúp ích rất nhiều trong việc tra cứu thông tin pháp lý và giảm tải công việc cho các thẩm phán, nhưng vẫn có một số tòa án chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai và sử dụng phần mềm này. Trên thực tế, cả nước hiện nay ngoài Tòa án nhân dân Tối cao, các tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, tòa án quân sự các cấp thì còn có 63 tòa án cấp tỉnh, thành phố và 705 tòa án cấp huyện. Thống kê hiện trạng sử dụng trên https://trolyao.toaan.gov.vn cho thấy, vẫn còn một số tòa án chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo các thẩm phán thực hiện tương tác với phần mềm trợ lý ảo Tòa án.
Để tăng cường sự đóng góp của các cán bộ trong ngành tư pháp vào phần mềm Trợ lý ảo Tòa án và bảo đảm phần mềm này phục vụ tốt hơn cho tất cả các đối tượng sử dụng, nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng đối tượng tham gia đóng góp câu hỏi và tình huống pháp lý. Ngoài thẩm phán, thư ký và thẩm tra viên trong các đơn vị tòa án cũng có thể đóng góp các tình huống pháp lý phù hợp với nhiệm vụ công tác của họ. Song, các tình huống pháp lý đóng góp cần được kiểm tra, đánh giá để bảo đảm tính chính xác, chất lượng và khả năng ứng dụng thực tiễn.
Theo các chuyên gia, cần tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng cho các cán bộ tòa án, đặc biệt là các thẩm phán và thư ký, giúp họ làm quen và sử dụng thành thạo phần mềm. Việc đào tạo chuyên sâu sẽ giúp người dùng giảm bớt lo ngại khi sử dụng công nghệ mới và nâng cao hiệu quả công việc. Ngoài ra, các tòa án cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm phần mềm có thể được triển khai đồng bộ và hiệu quả.