Đây là bộ môn được xây dựng trên cơ sở Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. Bộ môn sẽ là địa chỉ đào tạo chuyên sâu về đột quỵ đầu tiên trên cả nước.
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ não đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng của các quốc gia trên thế giới. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và căn nguyên gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới.
Đột quỵ não gây ra hậu quả rất nặng nề cho gia đình và xã hội. Tổ chức y tế thế giới - WHO đã lấy ngày 29 tháng 10 hàng năm là ngày đột quỵ thế giới, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ não.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 47/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh đột quỵ trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đây là hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng hệ thống đột quỵ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành nhấn mạnh, đột quỵ hiện nay đang là vấn đề thời sự của thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ với xu hướng đang ngày càng trẻ hóa. Để đảm bảo người bệnh đột quỵ được cấp cứu và điều trị tốt, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị chuyên sâu để phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng.
Bên cạnh việc được điều trị tại các đơn vị chuyên điều trị đột quỵ thì cũng rất cần có các nhân sự được đào tạo chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa theo một quy trình chuẩn hóa để đảm bảo người bệnh được chăm sóc điều trị tốt nhất, giảm thiểu tối đa hậu quả do đột quỵ.
Trên tinh thần đó, việc thành lập Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý Mạch máu não tại Trường Đại học Y Dược, trên cơ sở của Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai là bước phát triển tất yếu để chúng ta sớm có được một hệ thống đột quỵ hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học giúp cho chuyên ngành đột quỵ phát triển ở tầm cao mới.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Đào Xuân Cơ bày tỏ việc Trường ĐH Y Dược ra mắt bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não thể hiện sự gắn kết sâu trong hợp tác theo mô hình Trường - Viện.
Trong thời gian tới, sẽ có khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm của Ban lãnh đạo Trường ĐH Y Dược và bề dày kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên là các nhà nghiên cứu, giáo sư, bác sĩ hàng đầu chuyên ngành đột quỵ, Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não sẽ sớm có được thành quả, trở thành nơi chắp cánh cho các thế hệ y, bác sỹ đột quỵ có tâm và tầm, hỗ trợ hiệu quả cho người bệnh.
Bộ môn sẽ góp phần đem lại sự sống, niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình Việt Nam, đồng thời mở ra những cơ hội mới, động lực mới, đưa chuyên ngành đột quỵ Việt Nam lên tầm cao mới.
Bệnh viện Bạch Mai cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để làm cơ sở thực hành chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, sinh viên của Bộ môn đến trau dồi hoàn chỉnh chuyên môn và thực hành.
Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ghi nhận và biểu dương Trường ĐH Y Dược và Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp tổ chức hội nghị quốc tế Đột quỵ này, đây được xem là hội nghị quy mô lớn nhất miền Bắc về vấn đề đột quỵ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đặc biệt chúc mừng Trường ĐH Y Dược đã ra mắt bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não. Với thực trạng gia tăng rất nhanh của căn bệnh đột quỵ, với điều kiện về nguồn nhân lực, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học đã đáp ứng được yêu cầu thành lập Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não, tuy nhiên để Bộ môn chính thức được thành lập ngày hôm nay là hành trình đầy tâm huyết và nỗ lực của lãnh đạo Trường Đại học Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, đội ngũ y bác sỹ chuyên ngành đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai.
Trong thời gian tới, để người dân được thụ hưởng khám chữa bệnh đột quỵ được tốt nhất, tiên tiến nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn giữa Trường ĐH Y Dược và Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cập nhật kiến thức tiến bộ trên thế giới, tập trung nghiên cứu khoa học, xây dựng mạng lưới khoa học quốc tế, quan tâm đột quỵ cho người trẻ;
Tăng cường xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao, ứng dụng công nghệ thông tin, hội chẩn từ xa, để khám điều trị bệnh cho các bệnh nhân vùng nông thôn, miền núi; tiếp tục bổ sung đào tạo chuyên ngành điều trị đột quỵ chăm sóc cho người dân được tốt nhất;
Đẩy mạnh việc nghiên cứu phục hồi chức năng cho đột quỵ sau điều trị, bằng cách tăng cường các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn cho các tuyến y tế trong toàn quốc; thúc đẩy việc tuyên truyền các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ cho người dân như tăng tập thể dục, chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm muối, không hút thuốc lá, hạn chế riệu bia, ....
"Bộ Y tế cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để chuyên ngành đột quỵ của nước ta phát triển ngang tầm với khu vực và thế giới" - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.