Báo cáo của Arab News được đưa ra sau một cuộc xáo trộn quyền lực lớn ở Bờ Tây do Fatah lãnh đạo khi Washington gây áp lực buộc đảng này phải can thiệp vào cuộc chiến Israel-Gaza và chuẩn bị các cải cách sau chiến tranh ở Dải Gaza do Hamas kiểm soát.
Tháng trước, Chính quyền Palestine, cơ quan quản lý lâm thời do Fatah lãnh đạo, đã thành lập một chính phủ do Thủ tướng mới được bổ nhiệm Mohammad Mustafa đứng đầu. Tuy nhiên, Phong trào Hamas, tổ chức đã giành được quyền lãnh đạo Gaza vào năm 2006, đã phản đối động thái này, nói rằng sự thay đổi này là "chỉ làm sâu sắc thêm tình trạng chia rẽ" giữa các dân tộc Palestine.
Về phần mình, Fatah cáo buộc “cuộc phiêu lưu quân sự ngày 7.10 của Hamas là nguyên nhân khiến Israel quay trở lại với chính sách chiếm đóng ở Gaza”, và dẫn đến một “thảm họa thậm chí còn khủng khiếp và tàn khốc hơn năm 1948”, ám chỉ sự kiện Nhà nước Israel được thành lập, dẫn đến việc hàng trăm ngàn người Palestine phải di tản.
Trung Quốc, giống như hầu hết các quốc gia công nhận Palestine, coi Chính quyền Palestine có trụ sở tại Bờ Tây là chính phủ hợp pháp. Nhưng Bắc Kinh cũng vẫn duy trì liên lạc với Hamas.
Cuộc gặp duy nhất được công khai thừa nhận giữa hai bên kể từ khi chiến tranh nổ ra là vào tháng 3 khi đặc phái viên Trung Quốc Vương Khắc Kiện gặp Ismail Haniyeh, người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas, tại Qatar.
Sau chuyến công du Trung Đông vào tháng trước nhằm đặt nền móng cho lệnh ngừng bắn và cải thiện các điều kiện nhân đạo ở Dải Gaza, ông Vương Khắc Kiện với đài CGTN tiếng Ảrập thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc rằng thủ lĩnh Hamas Haniyeh, cùng với các nhà lãnh đạo Ảrập khác “đều ủng hộ vai trò lớn hơn của Trung Quốc” đối với tiến trình hòa giải.
Bắc Kinh đã tìm kiếm một vai trò chủ động hơn trong các vấn đề Trung Đông ngoài ảnh hưởng kinh tế sau khi làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa Ảrập Xê út và Iran vào năm ngoái.
Washington, cường quốc trong khu vực trong nhiều thập kỷ, cũng đã kêu gọi Bắc Kinh giúp kiềm chế xung đột trong khu vực, bao gồm cả cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ, cũng như các vấn đề liên quan đến Iran.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Al-Jazeera có trụ sở tại Doha hôm 25.4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ “ủng hộ mạnh mẽ” tiến trình hòa giải nội bộ giữa các phe phái ở Palestine thông qua đối thoại. Ông cũng tái khẳng định, Bắc Kinh ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại Liên Hợp Quốc, vốn đã bị Mỹ phủ quyết hồi đầu tháng này, đồng thời ủng hộ quyền dân tộc và quyền tự trị của người Palestine.
“Chúng tôi ủng hộ việc triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế lớn hơn, có thẩm quyền hơn và hiệu quả hơn càng sớm càng tốt, đồng thời xây dựng thời gian biểu và lộ trình cụ thể để thực hiện giải pháp hai nhà nước”, ông Vương nói trong cuộc phỏng vấn.
“Cuối cùng, chúng ta nên đạt được sự chung sống hòa bình giữa hai quốc gia Palestine và Israel cũng như sự chung sống hòa hợp của hai dân tộc – người Ảrập và người Do Thái”.
Vào tháng 2, cựu Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh đã gặp các quan chức Hamas ở Moscow, khi các bên nhất trí về sự cần thiết phải rút lực lượng Israel khỏi Gaza và thành lập một nhà nước Palestine.