Chưa có quy định cụ thể
Khẳng định hoạt động ban hành quyết định hành chính là một trong những phương thức, công cụ chuyên biệt để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào quản lý KT - XH, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà nhấn mạnh: trước hết, phải hiểu rõ khái niệm quyết định hành chính và phân biệt quyết định hành chính với văn bản QPPL. Khác với văn bản QPPL, quyết định hành chính là văn bản áp dụng QPPL, do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành. Một quyết định hành chính, nếu được ban hành đúng thẩm quyền theo một trình tự rõ ràng, minh bạch và nội dung phù hợp sẽ là minh chứng sống động cho sự hợp lý, tính hợp pháp, khả thi trong pháp luật của Nhà nước và tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện. Ngược lại, một quyết định hành chính ban hành sai thẩm quyền, với một trình tự không được kiểm soát về tính minh bạch và nội dung không tính đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan sẽ là rào cản trong quá trình đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Đồng tình với quan điểm này, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP Tống Thị Thanh Nam khẳng định: ban hành quyết định hành chính là một công việc quan trọng không thể thiếu trong hoạt động quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về ban hành quyết định hành chính hiện còn rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, thiếu sự thống nhất dẫn đến việc vận dụng vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng của quyết định hành chính nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý nhà nước, nhiều trường hợp chưa bảo đảm tính hợp pháp, hoặc không khả thi dẫn đến bị khiếu nại, khởi kiện. Có những trường hợp quyết định hành chính vừa ban hành đã sớm phải thu hồi, hoặc hủy bỏ do không phù hợp với thực tiễn. Do đó, việc ban hành Luật Ban hành quyết định hành chính là cần thiết, làm cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước - bà Nam nhấn mạnh.
Từ thực tiễn hoạt động của đơn vị mình, Phó giám đốc Tống Thị Thanh Nam cho rằng, khái niệm về quyết định hành chính còn nhiều quan điểm khác nhau; trình tự, thủ tục, nguyên tắc ban hành các quyết định hành chính được điều chỉnh bởi các văn bản chuyên ngành thiếu thống nhất, chưa được quy định đầy đủ, gây khó khăn, lúng túng cho việc ban hành quyết định hành chính nói chung. Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể về việc khắc phục hoặc xử lý đối với những quyết định ban hành trái thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục. Đồng tình với nhận định này, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Lễ cũng thông tin: hiện chưa có văn bản quy định cụ thể trình tự, nguyên tắc ban hành quyết định hành chính. Đơn cử, khi Sở Tài nguyên - Môi trường ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, ngoài phải tuân thủ theo Thông tư 01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, còn phải tuân theo các quy định của Luật Đất đai, các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Luật Thanh tra; Luật Xử lý vi phạm hành chính…
![]() Hội nghị TXCT chuyên đề về ban hành quyết định hành chính trên địa bàn TP Hà Nội |
Ảnh: D. Anh |
Kiểm soát chặt việc xây dựng, thực thi
Từ những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong hoạt động ban hành quyết định hành chính, đa số ý kiến nhất trí cho rằng: trước mắt, QH cần sớm ban hành Luật Ban hành quyết định hành chính nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay. Đại diện Hội Luật gia Hà Nội, Sở Tư pháp đề nghị bổ sung hình thức ban hành quyết định hành chính bằng miệng trong những trường hợp khẩn cấp để đáp ứng yêu cầu thực tế; quy định rõ sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn trong quá trình xây dựng, thực thi quyết định hành chính.
Để bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính có hiệu quả, chất lượng, nhận được sự đồng thuận cao và nghiêm chỉnh tuân thủ của các đối tượng chịu tác động trực tiếp, nhiều ý kiến cho rằng: hiện nay, các quy định về việc ban hành, thực hiện các quyết định hành chính của nước ta còn chưa tập trung trong một văn bản, nhất là đối với các quyết định hành chính cá biệt. Do vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng. Cụ thể, việc hoàn thiện pháp luật về quyết định hành chính phải đáp ứng được các yêu cầu cải cách TTHC; bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật còn phù hợp. Đặc biệt, phải hướng tới việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra trong quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện quyết định hành chính. Các ý kiến cũng đề nghị, ngành chức năng cần rà soát lại hệ thống quyết định hành chính, từ đó đình chỉ, sửa đổi và bãi bỏ những quyết định không hợp pháp, không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Khi ban hành quyết định, cần chú ý tiếp thu ý kiến của nhân dân, nhất là ý kiến đóng góp của đối tượng chịu tác động trực tiếp của quyết định đó.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng cần chú trọng là các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Ngành chức năng cũng cần quan tâm hơn đến công tác tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí định kỳ cho nhân dân ở cơ sở, trong đó quan tâm các đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách...
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Lê Đình Hùng, khó khăn hiện nay là quyết định hành chính chưa có tính tổng thể. Nội dung của quyết định thường chỉ bó hẹp trong một lĩnh vực, một địa phương hay một hoàn cảnh cụ thể. Việc ban hành quyết định hành chính còn chưa gắn mục tiêu trước mắt với mục tiêu lâu dài, chưa tính tới tác động đến các ngành, lĩnh vực khác. Đặc biệt, sự phù hợp và tính hiệu quả thực thi các quyết định hành chính chưa được một số chủ thể ban hành tính đến. Vì vậy, một số quyết định khi triển khai thực hiện đã vấp phải phản ứng dữ dội từ chính các đối tượng phải thi hành. H. Minh ghi |