Từ ngày 18 - 20.9, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) phối hợp với Công ty NC NetWork Việt Nam tổ chức Triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo năm 2024 với chủ đề “Hành trình từ linh kiện đến sản phẩm hoàn chỉnh”.
Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản, Đức, Italia và các quốc gia khác, Triển lãm hứa hẹn là nơi hội tụ và giao thương hiệu quả, tạo tiền đề cho việc hình thành các "mạng lưới cung ứng" theo nhóm ngành và địa phương.
Đây cũng là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam kết nối và thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế.
Triển lãm dự kiến có hơn 300 gian hàng trưng bày, trong đó hơn 80% là của các nhà máy sản xuất Việt Nam, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Triển lãm có sự góp mặt của hơn 20 nhà mua lớn từ các doanh nghiệp quốc tế như Panasonic, Fuji Film, Tiger, Taisei Holdings... tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam.
Triển lãm không chỉ cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và thiết lập quan hệ hợp tác mà còn là nơi để các doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu về các công nghệ và sản phẩm mới nhất trên thị trường.
Thông qua việc tham gia triển lãm và các hội thảo chuyên đề, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng mạng lưới liên kết và xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.
Hiện, phần lớn doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam đang hoạt động dưới hình thức gia công, tập trung vào sản xuất linh kiện và chi tiết đơn lẻ cho các tập đoàn đa quốc gia. Điều này khiến các doanh nghiệp khó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Theo các chuyên gia, để nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp sản xuất chế tạo Việt Nam cần phải chuyển đổi từ việc chỉ sản xuất linh kiện đơn lẻ sang sản xuất các cụm chi tiết phức hợp, và tiến tới sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam cần tăng cường hợp tác và liên kết chặt chẽ với nhau.