Nam Định: Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển

- Thứ Tư, 08/05/2024, 15:46 - Chia sẻ

HĐND tỉnh Nam Định vừa ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 có phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới tự nhiên của 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh hiện tại với tổng diện tích khoảng 308km2.

Tính chất là vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông nghiệp (ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, làng nghề); đầu mối giao thông quan trọng phía Đông Nam của tỉnh Nam Định kết nối các vùng lân cận. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng bộ các giải pháp hình thành các điểm, cụm dân cư kiểu mẫu về quản lý văn hóa, gắn kết cộng đồng với cảnh quan, môi trường.

Dựa trên các hoạch định không gian phát triển các lĩnh vực, cùng với phân bố các tài nguyên thiên nhiên của các huyện, vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được quy hoạch phân làm 4 vùng phát triển. Trong đó, phân vùng 1 là phân vùng phát triển đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái nông nghiệp phía Tây Nam thành phố Nam Định, gồm 6 đơn vị hành chính nằm ở phía Tây Bắc huyện Nam Trực.

Cụ thể đây sẽ là vùng phát triển đô thị dịch vụ, trung tâm đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng với cả đường bộ, đường thủy và đường sắt qua các tuyến vành đai 1, 2; các Quốc lộ 21, 21B; đường sắt: Nam Định - Quảng Ninh, Nam Định - Thịnh Long; là vùng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với nghề trồng hoa, cây cảnh có lịch sử truyền thống.

Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển -0
Toàn cảnh thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh. Ảnh: ITN

Phân vùng dân cư nông thôn gắn với nông nghiệp chất lượng cao gồm 9 đơn vị hành chính. Phân vùng này có tính chất là vùng dân cư nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp chất lượng cao, vùng đệm chuyển tiếp giữa các khu vực phát triển đô thị 2 huyện; phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch sinh thái; hình thành chức năng dịch vụ kết nối trung chuyển hàng hóa gắn với cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Phân vùng phát triển đô thị dịch vụ gắn với sông Hồng, sông Ninh Cơ gồm 6 đơn vị hành chính có tính chất là vùng phát triển đô thị dịch vụ gắn với sông Hồng và sông Ninh Cơ, là trung tâm hành chính chính trị huyện Trực Ninh có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam toàn vùng; là trung tâm kinh tế đa ngành phát triển giao thương giữa hành lang kinh tế vùng biển và giao thương kinh tế các vùng huyện Thái Bình.

Phân vùng phát triển đô thị dịch vụ gắn với nông nghiệp truyền thống phía Nam gồm thị trấn Ninh Cường và 3 xã Trực Hùng, Trực Cường, xã mới (sáp nhập từ các xã Trực Thái, Trực Đại, Trực Thắng) với tính chất là vùng phát triển đô thị phía Nam gắn với phát triển nông nghiệp truyền thống.

Định hướng phân vùng phát triển đô thị trong quy hoạch thành 2 vùng chính; trong đó khu vực dân cư tại các đô thị hiện hữu duy trì cấu trúc hiện có, tăng cường bổ sung các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng, cây xanh theo tiêu chuẩn hiện hành, đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế dịch vụ, công nghiệp tận dụng lợi thế trung tâm các tiểu vùng; khu vực tiếp giáp với thành phố Nam Định sẽ cải tạo và phát triển các khu dân cư hiện hữu và mở rộng theo hướng mật độ thấp, duy trì phát huy các giá trị sản xuất nông nghiệp, làng nghề thủ công kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch.

Huyện Nam Trực sẽ mở rộng ranh giới thị trấn Nam Giang (sáp nhập thêm xã Nam Dương, Nam Hùng) vươn lên trở thành đô thị loại IV, là trung tâm tiểu vùng phía Bắc; xã Đồng Sơn trở thành thị trấn mới Đồng Sơn, là đô thị loại V; 3 xã phía Bắc gồm Nghĩa An, Hồng Quang, xã mới (sáp nhập xã Nam Toàn, Nam Mỹ, Điền Xá) là vùng tiếp giáp với đô thị trung tâm thành phố Nam Định, nghiên cứu phát triển các chỉ tiêu tiệm cận đô thị loại II.

Huyện Trực Ninh mở rộng ranh giới hành chính thị trấn Cổ Lễ (sáp nhập thêm xã Trực Chính, Trung Đông) vươn lên trở thành đô thị loại IV là trung tâm tiểu vùng phía Nam; thị trấn Cát Thành (sáp nhập thêm xã Trực Tuấn, Trực Đạo) định hướng phát triển thành đô thị loại IV năm 2040; trong giai đoạn 2026 - 2030 các xã Trực Nội, Trực Hưng và Trực Thanh dự kiến sáp nhập trở thành đô thị mới Trực Nội là đô thị loại V.

Về định hướng phát triển giao thông, các huyện Nam Trực, Trực Ninh đều được chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt. Nâng cấp cải tạo hệ thống đường tỉnh kết nối từ các tuyến cao tốc, quốc lộ đến các khu công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của huyện, của tỉnh; kết nối đến các tuyến đường khu, cụm công nghiệp; các đô thị mới…

Để quản lý, thực hiện đúng Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 32/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã quy định danh mục các dự án đầu tư phát triển được thực hiện. Trong đó, ưu tiên các dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29.12.2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó là những dự án hạ tầng khung diện rộng, các công trình đầu mối bảo đảm kết nối liên vùng, các khu vực phát triển đô thị giữa 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh; các dự án đầu tư phát triển cho khu vực đô thị giữ vai trò chủ chốt của các huyện (thị trấn Nam Giang, thị trấn Cổ Lễ)…

Phan Phương
#