Kiên Giang: Giúp phụ nữ tăng thu nhập nhờ mô hình đan lục bình

- Thứ Sáu, 30/12/2022, 18:42 - Chia sẻ

Vĩnh Thạnh (huyện Giồng Riềng – Kiên Giang) là xã nông thôn sâu, có đông đồng bào dân tộc Khmer. Vài năm gần đây, Vĩnh Thạnh thực hiện phát triển mô hình đan và trồng lục bình đã giúp nhiều chị em phụ nữ giải quyết thời gian nhàn rỗi, có thu nhập ổn định, thực hiện công tác giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.

Hàng trăm phụ nữ được học nghề

Trước đây, loại cây hoang dã này chỉ gây cản trở giao thông đường thủy, nay đã mang lại giá trị kinh tế khá, giúp nhiều chị em phụ nữ khá lên…Tại ấp Vĩnh Thanh (xã Vĩnh Thạnh) hiện có hơn 100 phụ nữ được học nghề và đã cải thiện được cuộc sống từ nghề đan lục bình. Nguồn thu nhập này tuy không lớn, nhưng nó đã góp phần đáng kể cho chị em, nhất là phụ nữ dân tộc Khmer ở vùng nông thôn sâu có thu nhập thường xuyên. Do nghề này đan tại nhà vừa tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình, vừa có nguồn thu nhập thêm ngoài làm ruộng, vườn, chăn nuôi, nên ai cũng phấn khởi.

Chị Lý Thị Như, Tổ trưởng hợp tác đan lục bình ấp Vĩnh Thanh cho biết: Vì ở nông thôn ngoài việc đồng áng, chị em cũng khó tìm được việc làm phù hợp những lúc nông nhàn. Ngoài công việc nhà, mỗi ngày tranh thủ đan được 10 sản phẩm, còn nếu làm thường xuyên khoảng 20 sản phẩm, thu nhập sau khi trừ chi phí là hơn 160.000 đồng. Còn nếu cây lục bình tự tìm kiếm ngoài sông đem về phơi khô, sau đó tự làm có được 250.000 đồng/ngày”.

“Với cách làm linh hoạt, không những tổ vẫn luôn duy trì được sản xuất mà chị em lại cũng vừa tranh thủ làm thêm được việc nhà, đồng áng. Ngoài ra, hàng chục chị em ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh do dịch bệnh Covid-19 nay trở về quê hương, được tổ mời vào để dạy nghề và giải quyết việc làm cũng như đảm bảo thu nhập ổn định” – chị Như nói.

Thấy được nguồn lợi kinh tế từ cây lục bình, nhiều chị đã tận dụng đoạn kênh, rạch phía trước nhà trồng lục bình để khai thác, sơ chế phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Đây là công việc lấy công làm lời, phù hợp với những gia đình có ít đất hoặc vốn sản xuất, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên. Hiện xã Vĩnh Thạnh có hơn 150 hộ khai thác lục bình, có gia đình cả nhà sống bằng nghề này (phần đông là đồng bào Khmer) từ cuộc sống khó khăn nay vươn lên thoát nghèo…

Chị Danh Sa Vang ở ấp Vĩnh Phú (xã Vĩnh Thạnh) nói: “Nhà tôi trồng lục bình để khai thác lấy thân được hơn 4 năm rồi, với giá bán 5 - 6 ngàn đồng/kg thân lục bình khô, trung bình cắt được khoảng 50 – 60kg/ngày, thu nhập trên 200 ngàn đồng, nhờ vậy cuộc sống gia đình ổn định, từ nghề này gia đình tôi có thu nhập thường xuyên, không phải đi làm thuê. Thời gian rảnh rỗi còn lại, tôi nuôi bò, nuôi heo để tăng thu nhập và chăm sóc gia đình”.

30121.jpg -0
Từ cây lục bình hoang dã đã thành những sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu

Giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thạnh, Huỳnh Trúc Linh, chia sẻ: “Nghề đan lục bình trong chị em phụ nữ xã Vĩnh Thạnh, nhất là đối với phụ nữ dân tộc Khmer đã giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em có thu nhập dần ổn định cuộc sống. Sắp tới chúng tôi sẽ đứng ra hỗ trợ cho chị em ở các xã khác đến học nghề và nhận hàng về làm hoặc thành lập mới thêm cơ sở ở các xã khác để giúp chị em có điều kiện tăng thu nhập tại chỗ, hạn chế tình trạng rời quê đi làm thuê ở xa.

“Việc triển khai các biện pháp duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả của phụ nữ xã Vĩnh Thạnh, thời gian qua, đã góp phần hiện thực hóa quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, thực hiện tốt phương châm đảm bảo “mục tiêu kép” nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh” – chị Linh nói.

Nhờ biết tận dụng thế mạnh từ nguồn lực lao động và tinh thần cần cù, trong sản xuất, đảm đang việc nhà và đoàn kết, chia sẻ, tương trợ lẫn nhau để biến khó khăn thách thức thời cơ; Hội phụ nữ Vĩnh Thạnh đã không ngừng ra sức thi đua sáng tạo, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho hội viên, phụ nữ, thông qua việc duy trì, phát triển sản xuất trong các chi tổ hội phát triển ngành nghề truyền thống.                                                        

Phương Nghi  
#