Tại Tổ 4 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Thừa Thiên Huế, TP. Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu), các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với việc trình Quốc hội thông qua các nội dung nêu trên là đúng với thẩm quyền của Quốc hội.
Thảo luận về nội dung cụ thể, với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các ĐBQH cho rằng, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này là đúng thẩm quyền và đáp ứng yêu cầu thực tế.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này, theo các đại biểu, sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc trong các dự án giao thông đường bộ cụ thể, qua đó, góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.
Tại Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định: "Nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ. Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan về thuế, phí, pháp luật về bảo vệ môi trường".
Các đại biểu nhất trí cho rằng, việc áp dụng chính sách này sẽ giúp rút ngắn thời gian trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đáp ứng kịp thời nguồn cung cấp vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá; đồng thời góp phần ổn định giá vật liệu xây dựng thông thường, hạn chế việc tăng chi phí xây dựng công trình. Tuy nhiên, theo đề xuất của Chính phủ thì đối tượng áp dụng chính sách được mở rộng, bao gồm cả các nhà đầu tư thay vì chỉ có các nhà thầu như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) lưu ý, khi bổ sung đối tượng nhà đầu tư thì phải đánh giá rất kỹ lưỡng vì hai chủ thể khác nhau sẽ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau trong khai thác, sử dụng mỏ khoáng sản. Do đó, cần làm rõ hơn sự cần thiết áp dụng cơ chế này với các nhà đầu tư, có gì khác so với các nhà thầu thi công, xây dựng hay không?
Mặt khác, ĐB Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng, việc quy định nhà đầu tư, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường và các nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường... như dự thảo Nghị quyết là chưa đủ. Thực tế cho thấy, việc khai thác khoáng sản dù đó là mỏ khoáng sản phục vụ xây dựng thông thường cũng để lại những hậu quả chưa thực sự tốt, đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường hoặc các nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như đã cam kết.
“Do đó, lần này, chúng ta cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thì phải quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, cần bổ sung quy định rõ chế tài xử lý các nhà đầu tư, nhà thầu không thực hiện đầy đủ cam kết để ràng buộc trách nhiệm, bảo vệ môi trường xanh, lành mạnh”, ĐB Nguyễn Thị Sửu đề nghị.
Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) lưu ý, khoáng sản có nhiều loại, trong đó, những loại quý như vàng, đất đỏ... cũng là khoáng sản. Nếu quy định chung chung “khoáng sản làm vật liệu xây dựng” là không chuẩn xác về mặt khoa học, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng khi triển khai thực hiện thì cứ mỏ khoáng sản nào vướng vào dự án đường giao thông đã được cấp phép thì đều sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù. Đại biểu đề nghị, phải quy định rõ chỉ có mỏ khoáng sản là vật liệu xây dựng, tức là khoáng sản đã được xếp loại là vật liệu xây dựng thì mới được áp dụng.