Đẩy lùi nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới
Bộ KHCN vừa ban hành Thông tư số 23 thay thế Thông tư số 20/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Theo quy định của thông tư này, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng tuổi thiết bị không quá 10 năm và đã được sản xuất phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường. So với Thông tư số 20/2014, thông tư mới đã nới tuổi thiết bị công nghệ cũ được nhập khẩu từ 5 năm lên 10 năm.
Nếu như Thông tư 20 quy định đồng thời tuổi thiết bị và tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị thì Thông tư 23 đã bỏ quy định về tỷ lệ chất lượng còn lại mà tập trung quản lý các thiết bị cũ có phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế hay không. Thông tư 23 cũng quy định không được phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường do Bộ KHCN công bố. Theo ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ KHCN, trong bối cảnh hội nhập, quy định này sẽ giúp hạn chế các loại thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, có thể có tuổi thiết bị thấp hơn 10 năm rất nhiều nhưng chất lượng thì lại không bằng máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ được sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước tiên tiến G7. Qua đó, góp phần đẩy lùi nguy cơ chúng ta trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới.
Tuy có nới các điều kiện thông thoáng hơn song Thông tư 23 lại thu hẹp các đối tượng điều chỉnh. Chẳng hạn, Thông tư đã loại trừ tất cả các máy móc, thiết bị nằm trong khả năng gây mất an toàn theo Phụ lục 2 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Một số máy móc chuyên ngành đã được bộ, ngành chuyên môn ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh như máy móc thi công xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), thiết bị trong ngành y, máy móc, thiết bị thuộc ngành in… Ngoài ra, các bộ, ngành có trách nhiệm sẽ tiếp tục ban hành các quy định điều chỉnh việc nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nguồn: vietnamnet |
Cơ chế mở cho các trường hợp đặc biệt
Trong bối cảnh hiện tượng dịch chuyển đầu tư, kéo theo dịch chuyển dây chuyền từ các quốc gia ít hoặc hết lợi thế cạnh tranh vào Việt Nam đang diễn ra, Thông tư 23 cũng đã có sự điều chỉnh mềm mỏng đối với các trường hợp này. Cụ thể, đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư, bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, thuộc các trường hợp dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư hoặc dự án thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư đồng ý, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải thực hiện theo yêu cầu của thông tư 23.
Trên thực tế, với mỗi ngành, lĩnh vực thì vòng đời của các thiết bị, máy móc là khác nhau. Vì thế, trong quá trình lấy ý kiến đóng góp vào thông tư quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp đề nghị xác định độ tuổi máy móc, thiết bị theo từng ngành. Bên cạnh quy định khung trần tuổi thiết bị cũ nhập khẩu là 10 năm, ông Đỗ Hoài Nam cho biết, Thông tư 23 đã có quy định mở là trường hợp cần thiết, tùy thuộc đặc thù của từng ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành quy định yêu cầu về tuổi thiết bị thấp hơn mức trần là 10 năm. Quy định này giao quyền chủ động quy định cho các bộ quản lý chuyên ngành, có đầy đủ thông tin để đưa ra các quy định bảo đảm sự công bằng hơn cho các doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, Thông tư 23 cũng quy định, trong trường hợp đặc biệt, quy định về tuổi thiết bị cũng có thể được nới lỏng hơn nữa. Cụ thể, trường hợp thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá 10 năm nhưng doanh nghiệp cần thiết nhập khẩu, Bộ KHCN phối hợp với các bộ, ngành xem xét, quyết định.
Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, việc nhập khẩu thiết bị cũ là một thực tế. Việc quản lý nhập khẩu để vừa bảo đảm yêu cầu phát triển, vừa hạn chế việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và không triệt tiêu động lực đổi mới, sáng tạo trong nước là một bài toán không hề đơn giản. Với Thông tư 23, trách nhiệm không chỉ tập trung tại Bộ KHCN mà được chia sẻ cho các bộ, ngành quản lý chuyên ngành từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, cùng với Bộ KHCN, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát để bổ sung các quy định liên quan đầy đủ, phù hợp, tránh để cơ chế mở bị treo lại, gây bức xúc cho doanh nghiệp, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.