Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, sáng 4.1, Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) và Phạm Lê Collection, gia đình cố họa sĩ và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm, ra mắt sách “DUYÊN: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa - Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên".
Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh tại Hà Nội và là thế hệ sau cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi di cư sang châu Âu, dù thiếu thốn nguyên vật liệu, nhưng ông vẫn dành trọn tình yêu cho nghệ thuật sơn mài. Xa Việt Nam, tách rời với "sơn ta" truyền thống buộc ông phải tìm tòi khám phá và đưa vào sơn mài những chất liệu mới. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà ông đã tạo ra được một ngôn ngữ hội họa sơn mài độc đáo với bảng màu đặc sắc và riêng biệt, dường như khác hẳn với nghệ thuật sơn mài cùng thời ở Việt Nam.
Cuốn sách do hai nhà sưu tập, nghiên cứu độc lập về mỹ thuật Việt Nam - Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh thực hiện. Tác giả Phạm Quốc Đạt chia sẻ: Cuốn sách là lời cảm tạ với họa sĩ Trần Phúc Duyên, người đã cả đời chung thủy với nghệ thuật sơn mài dù phải sống xa quê hương của “sơn ta”, không ngừng tìm tòi sáng tạo về chất liệu, đổi mới về phong cách để tạo ra một chỗ đứng riêng của mình. Các tác phẩm của ông có một tiếng nói độc lập, với ngôn ngữ tạo hình mới mẻ, đóng góp vào bản hòa ca nhiều cung bậc trong quá trình phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View cho biết, được xem tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên năm 2016, và bất ngờ bởi sơn mài có màu vàng, xám, ghi như vậy. Trong hội họa Đông Dương, họa sĩ Trần Phúc Duyên học vào thời kỳ cuối cùng, lúc ấy sơn mài đã khá hoàn thiện về bảng màu. Nhưng từ khi sang Pháp, sơn mài của ông đã thay đổi. Trong các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương sang nước ngoài sinh sống, chỉ Trần Phúc Duyên vẽ tranh sơn mài, và có hàng chục triển lãm tranh sơn mài ở nước ngoài, cho thấy tình yêu của ông với chất liệu nghệ thuật này.
Trong khi đó, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét, nhìn lại sự nghiệp của Trần Phúc Duyên, chúng ta có thể nhận ra ba lối tranh rõ rệt: phong cách Đông Dương cũ, chủ yếu là tranh phong cảnh và sinh hoạt; lối tranh Thiền họa có biểu tượng và tranh Trừu tượng tối giản thuần túy. Trần Phúc Duyên tuy không đề ngày tháng năm trên tranh, nhưng cũng có thể coi đó là những chặng đường sáng tác của ông…
“Nếu chỉ theo đuổi lối hội họa sơn mài phong cảnh thì phong cách Trần Phúc Duyên cũng chỉ dừng lại ở những điểm chung của dòng tranh Đông Dương. Nhưng ông đã rẽ sang hướng khác, không phải vì muốn khác biệt hay hay hơn, mà vì toàn bộ những gì ông trải qua, cuộc sống thực tại của chính ông đưa ông đến Trừu tượng và Thiền họa, chỉ là Thiền họa thôi dưới dạng có biểu tượng và phi biểu tượng” - nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận định.