98,6% dân số sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh
Trong Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 (Báo cáo SDGs năm 2023), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Việc thực hiện các mục tiêu SDGs trong năm 2023 tiếp tục đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều đạt 3,2%; tỷ lệ thất nghiệp đạt 2,1%; tăng trưởng GDP đạt 5,05%; tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đạt 78%; tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì mục tiêu đề ra, đạt 42%; cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022…
Trong đó, đối với mục tiêu bảo đảm đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội thông qua đánh dấu bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng môi trường sống, quyền tiếp cận nước của người dân, bảo đảm an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước.
Tính đến hết năm 2023, có hơn 90% doanh nghiệp cấp nước đô thị đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần; khoảng 250 doanh nghiệp tư nhân cấp nước đô thị đang khai thác vận hành 750 nhà máy nước có quy mô từ 3.000 – 300.000m3/ngày đêm cung cấp nước cho khu vực đô thị.
Cũng trong năm 2023, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 96%, đạt lộ trình đề ra cho tới năm 2025 và 2030 (từ 95 – 100%); tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT đạt 57%, đạt lộ trình đề ra cho năm 2025 (55%); tỷ lệ dân số sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98,6%.
Khó đạt lộ trình xử lý nước thải đô thị
Năm 2023, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống các chính sách, giải pháp đối với lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Các khu công nghiệp tiếp tục được giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn về môi trường.
Tính đến 2023, 91,6% khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường, tăng nhẹ so với năm 2022 (91%). Lộ trình đặt ra đối với khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung là khả thi đến năm 2025, song sẽ gặp thách thức rất lớn để có thể đạt 100% vào năm 2030.
Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định vẫn thấp, duy trì ở mức 15% trong suốt nhiều năm nay và dự kiến không đạt lộ trình đặt ra vào năm 2025 và 2030. Hầu hết nước thải từ các điểm dân cư nông thôn chưa được thu gom, xử lý, đòi hỏi cần có các giải pháp hiệu quả về chính sách và đầu tư để cải thiện chỉ số này trong thời gian tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao cần tập trung tăng cường các giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu dự kiến khó đạt lộ trình đề ra vào năm 2025 và 2030; đồng thời, tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được đối với các chỉ tiêu có kết quả thực hiện tốt, dự báo đạt được theo lộ trình.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong giai đoạn đến năm 2030.
Các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu các giải pháp hiệu quả về chính sách và đầu tư nhằm nâng cao tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; đẩy mạnh thu gom, xử lý nước thải từ các điểm dân cư nông thôn.
Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn, đẩy mạnh xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực đô thị và nông thôn; đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn; tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong xử lý chất thải rắn, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra.