Kỳ họp thứ Năm đã khép lại, thành công sau 23 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao. Kỳ họp này tiếp tục ghi nhận những đóng góp trí tuệ của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An vào các nội dung, chương trình nghị sự… Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các thành viên trong Đoàn đã có nhiều ý kiến tâm huyết cùng Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…; đáp ứng mong đợi của cử tri, nhân dân Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung.
Kỳ họp đã phản ánh đầy đủ tinh thần đổi mới, dân chủ, khoa học và trách nhiệm cao của Quốc hội với cử tri, Nhân dân cả nước. Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp này, ngay sau Kỳ họp thứ Tư, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT) cho các ĐBQH bảo đảm đúng quy định. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 58 kiến nghị, đề xuất cử tri (16 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, 42 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuyển UBND tỉnh để xem xét, trả lời theo quy định.
Trước kỳ họp, trên cơ sở dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đã làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của tỉnh những tháng đầu năm 2023; kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát chuyên đề Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Nghệ An của Đoàn ĐBQH tỉnh và việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội và các nội dung có liên quan để chuẩn bị nội dung tham gia Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV…
Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào 17 dự án luật trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ Năm bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức, phối hợp tổ chức hội nghị, gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia... Trên cơ sở đó, Đoàn đã tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và gửi các ĐBQH trong Đoàn để nghiên cứu tham gia phát biểu tại kỳ họp… Bên cạnh đó, các ĐBQH chuyên trách và các ĐBQH là thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào các phiên họp, phiên thẩm tra, cho ý kiến vào các dự án luật, các Báo cáo theo kế hoạch của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh nghệ An tại phiên thảo luận tổ
Trong phần Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ĐBQH tỉnh Nghệ An Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Cử tri và Nhân dân ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành, tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế… Đồng thời, cử tri mong muốn, Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của Nhân dân…
Các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dự Kỳ họp thứ Năm
Các ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tại Hội trường
Đơn cử, dẫn thông tin đời sống khó khăn, thiếu thốn của bà con vùng miền núi dân tộc miền Tây Nghệ An, trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ĐBQH Trần Nhật Minh đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện Kết luận số 65 ngày 20.10.2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong đó, cần quan tâm chính sách giải quyết việc làm đối với thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS); quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn vùng DTTS và miền núi…
Tại kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có 56 lượt đại biểu tham gia phát biểu thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo về kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng; ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội (8 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường và 48 lượt phát biểu tại tổ)… Ngoài ra, có nhiều ý kiến của các thành viên trong Đoàn góp ý thảo luận tại hội trường do không kịp thời gian phát biểu đã chuyển đến các Ban soạn thảo nghiên cứu, cơ bản các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được tiếp thu, chỉnh lý trong các dự thảo, dự án luật của kỳ họp.
Hay, liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận). Dẫn hình ảnh người dân nhọc nhằn tìm nước dưới cái nắng chói chang đầy xúc động, ĐBQH Thái Thị An Chung đã đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 (47 tỷ đồng) đến hết ngày 31.12.2023 để tỉnh Bình Thuận có thêm nguồn lực thực hiện dự án...
Với Luật Đất đai (sửa đổi) - dự án luật có tầm quan trọng rất lớn, tính chất phức tạp, đối tượng tác động rất rộng… Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thanh Quý trong góp ý tại tổ về dự án luật này đã thẳng thắn nêu những bất cập trong quá trình thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai (có hai cơ chế, gồm: Nhà nước thu hồi đất và Chủ đầu tư dự án thỏa thuận với người sử dụng đất)… “Việc thu hồi đất gặp khó khăn, làm chậm tiến độ đầu tư công, nhất là ở những công trình trọng điểm, công trình lợi ích quốc gia, an ninh - quốc phòng. Song, trong dự thảo vẫn đưa vào hai cơ chế thu hồi đất, đây là vấn đề cần nghiên cứu để tháo gỡ các bất cập…”, ông Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Liên quan nội dung này, ĐBQH Nguyễn Vân Chi cho rằng: Để giải quyết thấu đáo vấn đề này, cần hạn chế tối đa, hoặc không nên thực hiện các trường hợp đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư mà về cơ bản tất cả các trường hợp nên thực đấu giá để bảo đảm giá trị tăng thêm của đất đai được về ngân sách Nhà nước… Hay như góp ý vào nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền lại đề nghị cần bàn bạc kỹ để đưa vào luật đầy đủ các vấn đề liên quan đến mặt quan điểm, để tránh việc khiếu kiện khi thực thi.
Thảo luận tại Hội trường về dự án luật đặc biệt quan trọng này, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu đã phân tích và chỉ rõ những bất cập hiện nay; đồng thời nhấn mạnh: Hiện, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê tổ chức tư vấn định giá đất; do đó, cần đánh giá cụ thể để có những quy định phù hợp về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá, bảo đảm được tính khả thi của dự án luật…
Với cử tri cả nước, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) rất được quan tâm. Góp ý vào dự án luật này, ĐBQH Phạm Phú Bình chỉ rõ: Dự thảo luật còn một số điểm chưa rõ ràng, cụ thể, chưa tương thích với các luật khác liên quan đến chính sách về nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cho người nước ngoài ở Việt Nam… ĐBQH Trần Đức Thuận đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế chính sách, tạo điều kiện về nhà ở cho cán bộ lực lượng vũ trang công tác vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; đồng thời, cần có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ lực lượng vũ trang khi hoàn thành nhiệm vụ xuất ngũ về hưu…
Ở góc nhìn khác, đánh giá cao việc luật định việc xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển về nhà ở, ĐBQH Thái Văn Thành lại cho rằng: Để thực hiện Chiến lược này thành công và Chính phủ chỉ đạo, toàn diện sâu sắc từ Trung ương đến địa phương; cũng như Quốc hội có thể giám sát được thì nên giao Chính phủ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về việc cụ thể, có các chỉ số, mục tiêu…
Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ Năm, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã tổ chức làm việc với một số bộ, ngành Trung ương; tham gia các hoạt động trao đổi kinh nghiệm với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố để thông tin về kinh tế - xã hội, những kiến nghị đề xuất của địa phương và những vấn đề liên quan đến nội dung kỳ họp… Sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong tỉnh tăng cường hoạt động tuyên truyền phổ biến những nội dung của kỳ họp tới cử tri và Nhân dân; đồng thời, tiếp tục lắng nghe những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri để gửi đến các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết...
Trình bày:Duy Thông