Theo đó, Cục Quản lý Dược đã nhận được Công văn của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng (immunoglobulin, phenobarbital) khi tình hình diễn biến phức tạp.
Về tình hình cung ứng thuốc immunoglobulin, theo Cục Quản lý Dược, hiện có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Theo báo cáo của các cơ sở nhập khẩu, số lượng thuốc immunoglobulin tồn và kế hoạch nhập khẩu về Việt Nam như sau:
- Human normal immunoglobulin 100mg/ml, Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu: Còn tồn 2.344 hộp loại 250ml và 215 hộp loại 50ml. Dự kiến giữa tháng 8 năm 2023, nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml.
- Immunoglobulin 5%, Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu: Bệnh viện Chợ Rẫy còn tồn 300 lọ. Dự kiến cuối tháng 7 năm 2023, nhà sản xuất sẽ cung ứng cho Việt Nam 5.000 - 6.000 lọ.
Về tình hình cung cứng thuốc phenobarbital, hiện nay, có 1 thuốc phenobarbital do Công ty Cồ phần Dược Danapha sản xuất được cấp Giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo Điều 68, Nghị định 54/2017/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo báo cáo của công ty, 21.000 ống thuốc (phenobarbital 200mg/ml) sẽ về Việt Nam vào đầu tháng 7 năm nay.
Để đảm bảo công tác cung ứng đủ thuốc cho điều trị, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện các nội dung nêu tại Công văn số 13672/QLD KD ngày 28.12.2022 và Công văn số 4446/QLD-KD ngày 28.4.2023 của Cục Quản lý Dược.
Đồng thời, có văn bản báo cáo về việc triển khai thực hiện các nội dung nêu tại 2 Công văn trên của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Văn bản báo cáo đề nghị gửi về Cục Quản lý Dược trước ngày 8.6.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng cần khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đóng trên địa bàn có nhu cầu sử dụng thuốc kịp thời, chủ động liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để dự trù, đặt hàng, mua sắm và dự trữ thuốc theo đúng quy định. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn cung về thuốc.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Cơ sở báo cáo về Cục Quản lý Dược để được giải quyết theo quy định.
Dịch bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16.
Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phong nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Theo Bộ Y tế, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.