Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, tình trạng quá tải người bệnh ngày càng tăng tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh do cơ sở hạ tầng xuống cấp (cơ sở cũ). Cùng với đó, công tác phòng chống ung thư trên địa bàn thành phố thời gian qua chưa được triển khai hiệu quả do còn gặp không ít khó khăn.
Theo đó, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn phổ biến, nguyên nhân là do các hoạt động tầm soát phát hiện sớm ung thư còn dàn trải, chưa tập trung nguồn lực đầu tư; rất ít chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư được thực hiện trong cộng đồng; năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư hiện nay không đồng đều giữa các tuyến chuyên môn...
Đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho hay, việc đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu hiện đại là rất cần thiết nhưng chưa đủ, cần tiếp tục huy động nguồn lực xã hội để triển khai hiệu quả chiến lược phòng chống ung thư mới thật sự là giải pháp vừa mang tính toàn diện, vừa mang tính khoa học và thực tiễn.
Cụ thể, ngành y tế Thành phố đã triển khai chiến lược phòng chống ung thư bao gồm các giải pháp cụ thể như: triển khai hiệu quả các giải pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe, tiêm ngừa vaccine... trong phòng ngừa ung thư. Xây dựng và củng cố mạng lưới y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư rộng khắp từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn...
Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai các hoạt động cụ thể để phòng chống ung thư như sau: Xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tham gia công tác tuyên truyền, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ ung thư trong cộng đồng.
Triển khai khám sức khỏe định kỳ cho người dân, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ung thư.
Khuyến khích các bệnh viện đa khoa tư nhân phát triển chuyên khoa ung thư.
Huy động nguồn lực xã hội xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh bằng công nghệ cao, giúp phát hiện sớm bệnh ung thư và các bệnh nguy hiểm khác ngay từ khi chưa có triệu chứng…