Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, số ca bệnh đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện có dấu hiệu gia tăng, trung bình bác sĩ thăm khám cho 15-20 ca bệnh/buổi. Trong những tuần gần đây số trẻ đến khám đau mắt đỏ Bệnh viện Nhi đồng 2 bắt đầu có dấu hiệu tăng. Khoa Mắt và Phòng khám Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cũng ghi nhận bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ rải rác.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh. Người bệnh cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày như chất đạm, chất xơ, chất béo, tinh bột để tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh nên tránh ăn uống quá kiêng khem để tránh cơ thể rơi vào suy nhược. Đồng thời, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
Sử dụng thuốc đúng loại và đúng liều lượng theo đơn đã được kê của bác sĩ. Tùy vào tình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ có thể kê những loại thuốc khác nhau như kháng viêm, kháng sinh, nước mắt nhân tạo, thuốc tra mắt...
Để dễ dàng theo dõi diễn biến của bệnh nên tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu sử dụng thuốc thấy mắt sưng hơn, đau hơn hay chảy máu, cần liên hệ ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong trường hợp thấy có xuất hiện các triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị theo các phương pháp truyền miệng, dân gian như nhỏ sữa mẹ, đắp hành củ, xông lá trầu... Ngoài ra, khi chưa có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.