Theo HCDC, thời gian cuối năm cũng là lúc nhu cầu mua bán gia cầm tăng manh, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cúm A (H5N1) ở người. Cuối tháng 11.2023, tại Campuchia, đã ghi nhận thêm 2 ca mắc bệnh cúm A (H5N1), nâng tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay là 6 ca, trong đó có 4 ca tử vong.
Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Cụ thể, đối với phòng ngừa các bệnh viêm hô hấp cần chủ động đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh nên hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Ngoài ra, cần tiêm vaccine đối với các bệnh đã có vaccine phòng ngừa như cúm, Covid-19. Đặc biệt, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Đối với phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người không sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; cần chọn lựa nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thực hiện ăn chín uống chín; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.