- Ban Quản lý khu Công nghệ cao sai phạm thế nào tại dự án khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia?
- Trung tâm Đào tạo và Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thuộc Ban Quản lý khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh sai phạm thế nào?
- Hàng chục dự án tại khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh có khả năng gây thất thu ngân sách Nhà nước
Ban Quản lý khu công nghệ cao (CNC) TP. Hồ Chí Minh vừa có Văn bản số 761/KCNC-QLDN về Dự án Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ Đại học FPT trong Khu CNC, gửi Trường Đại học (ĐH) FPT.
Theo Văn bản này, Ban Quản lý Khu CNC không đồng ý việc Phân hiệu ĐH FPT HCM sử dụng địa điểm trong Khu CNC tại địa chỉ Lô E2a-7, đường D1, phường Long Thạnh Mỹ do không phải là nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 1264686683 do Ban Quản lý cấp lần đầu ngày 4.10.2013 và điều chỉnh lần 1 ngày 10.11.2015. Đồng thời, việc sử dụng địa điểm thực hiện dự án để đào tạo sinh viên là không phù hợp với Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) hiện hữu và không phù hợp quy hoạch Khu CNC được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt.
Đối với việc đào tạo bậc đại học, Ban Quản lý Khu CNC đề nghị Phân hiệu ĐH FPT HCM ngưng việc đào tạo bậc đại học (sinh viên) tại Dự án trong Khu CNC. Đồng thời đề nghị Phân hiệu ĐH FPT HCM ngừng các hoạt động khác tại dự án do không phải là nhà đầu tư trong GCNĐKĐT đã cấp; đề nghị Trường ĐH FPT gỡ bỏ các thông tin giới thiệu Phân hiệu ĐH FPT HCM trong Khu CNC trên các trang thông tin điện tử của Trường ĐH FPT nói riêng và Công ty Cổ phần FPT nói chung.
Được biết, Dự án “Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ Đại học FPT” được Ban Quản lý Khu CNC cấp GCNĐKĐT số 1264686683 lần đầu ngày 4.10.2013 và điều chỉnh lần 1 ngày 10.11.2015. Dự án có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng do Viện Đào tạo Quốc tế FPT là nhà đầu tư (tại địa điểm trên).
Dự án đi vào hoạt động từ tháng 10.2019, số vốn đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra (tháng 8.2023) là hơn 332 tỷ đồng.
Hiện dự án đang tập trung triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, an toàn thông tin và kỹ thuật phần mềm, trong đó đào tạo bậc đại học (kỹ sư) chiếm 99,09%, sau đại học (thạc sĩ) chiếm 0,91%. Doanh thu từ đào tạo là hơn 751 triệu đồng. Ngoài ra, có triển khai hoạt động nghiên cứu một số công nghệ cao như robot, trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ, hình ảnh…
Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý Khu CNC đánh giá việc đào tạo bậc đại học (kỹ sư) chiến 99,09% là không đúng mục tiêu được cấp tại GCNĐKĐT. Dự án có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Đầu tư năm 2020; Dự án không thực hiện báo báo quý, báo cáo năm và báo cáo giám sát đầu tư theo quy định tại Điều 2 GCNĐKĐT về điều kiện ràng buộc.
Theo văn bản của Ban Quản lý Khu CNC, tháng 1.2013, đơn vị đã có văn bản gửi Trường ĐH FPT về việc đề nghị xây dựng phân hiệu Trường trong Khu CNC là không phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 Khu CNC giai đoạn 1 được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt tại Quyết định số 1028/QĐ-UBND ngày 16.3.2007 và Quy hoạch chi tiết Khu CNC – giai đoạn 2 tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt tại Quyết định số 5625/QĐ-UBND ngày 9.12.2009 của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Ban Quản lý Khu CNC cho rằng, việc hoạt động phân hiệu Trường ĐH trong Khu CNC đã được Ban Quản lý thông tin đến Trường ĐH FPT từ năm 2013. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn giới thiệu Phân hiệu ĐH FPT Hồ Chí Minh trong Khu CNC.
Ngoài ra, việc Trường ĐH FPT ban hành quyết định sáp nhập giải thể và chấm dứt sự tồn tại của Viện Đào tạo Quốc tế FPT, xóa sổ pháp nhân đang là nhà đầu tư một dự án trong Khu CNC và tự ý giao cho đơn vị mới là Phân hiệu ĐH FPT HCM tiếp quản toàn bộ dự án tại Khu CNC mà chưa có sự đồng ý và chấp thuận của Ban Quản lý Khu CNC là không đúng nội dung quy định tại Điều 1 của GCNĐKĐT đã cấp.