“Nếu vài thập kỷ trước, chúng ta không thể tưởng tượng được việc một Tổng thống Mỹ đứng ở Hà Nội cùng với một nhà lãnh đạo Việt Nam và công bố cam kết chung về quan hệ đối tác cấp cao nhất giữa các quốc gia”, ông Biden phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”, đề cập đến chuyến thăm Việt Nam của ông hồi đầu tháng này.
Nhà lãnh đạo nhấn mạnh: “Với sự phối hợp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao và nỗ lực thận trọng, đối thủ có thể trở thành đối tác, những thách thức to lớn có thể được giải quyết và những vết thương quá khứ có thể hàn gắn lại”.
Qua ví dụ này, Biden khẳng định Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết mọi tranh chấp và Mỹ cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá thế giới đang đứng trước bờ vực rạn nứt trong quan hệ thương mại và hệ thống kinh tế - tài chính quốc tế, với sự chia rẽ Đông – Tây giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế phải đối mặt với hàng loạt thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu – nước biển dâng trong khi căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng; các điểm nóng như Sudan, CHDC Congo, Haiti, Afghanistan, Syria và Myanmar chưa được giải quyết.
Tổng Thư ký cho rằng các nước cần tăng cường đối thoại, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và cải tổ hệ thống quản trị quốc tế, trong đó đặc biệt là các thể chế kinh tế - tài chính quốc tế và cả LHQ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về phát triển bền vững. Đáng chú ý, TTK nêu đậm ưu tiên đối với biến đổi khí hậu và sử dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo (AI) và các hình thái công nghệ mới.
Phiên thảo luận cấp cao đã khai mạc với sự tham dự của hơn 150 người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo của nhiều nước và tổ chức quốc tế.