
Từ Mexico sang Malaysia, từ Bahrain tới Botswana, câu chuyện về toàn cầu hóa đem đến vốn đầu tư và nhu cầu sản xuất thương mại, tạo ra việc làm và giúp người nghèo đổi đời vẫn còn đó. Nhưng khi khủng hoảng tài chính ngấm sâu vào các nền kinh tế, nguồn cầu ở các nước phương Tây sụt giảm mạnh, làm chậm lại nhanh chóng các guồng máy sản xuất hàng hóa vốn là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tại châu Á và châu Phi, người ta đã bắt đầu mường tượng đến cảnh một bộ phận dân cư đông đúc người dân bị đẩy ngược quá trình phát triển. Bài học thực tế ở Trung Quốc là ví dụ điển hình và là mẫu số chung cho nhiều quốc gia khác: Xuất khẩu khó khăn, hàng loạt nhà máy đóng cửa. Tình trạng này được tiếp nối bằng một cuộc di cư ngược từ thành phố trở lại nông thôn. Toàn cầu hóa - cỗ máy xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất trong lịch sử xã hội lại đang gặp phải khó khăn trong thực hiện mục tiêu cải tạo xã hội tốt hơn lên. Các nền kinh tế kiểu mẫu về tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đang để mất dần dần những cơ hội trong ngắn hạn và cả trung hạn. Ông Ajay Chhibber - Giám đốc Văn phòng châu Á trực thuộc Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc cho rằng đạt được tăng trưởng đã khó, duy trì được những điều kiện cho tăng trưởng bền vững càng khó.
Trước kia, nhờ vào những đơn đặt hàng hào phóng từ thế giới phương Tây, người dân nông thôn di cư ra thành thị đã dễ dàng kiếm được việc làm tại những dây chuyền lắp ráp mọc lên nhanh chóng, nhờ đó mà cuộc sống được cải thiện. Năm 1981, gần 80% người dân khu vực Đông Á có mức thu nhập bình quần dưới 1,25 USD/ngày; đến năm 2005 tỷ lệ đó chỉ còn lại quãng 18%. Nhưng những nước được nhiều nhất từ một nền kinh tế toàn cầu mở lại phải chịu thiệt hại lớn nhất khi khủng hoảng xảy ra. Jing Ulrich - giám đốc JP Morgan tại Hong Kong cho biết chỉ tính riêng trong năm 2008 đã có hơn 80.000 doanh nghiệp lớn nhỏ đóng cửa tại Quảng Đông, Trung Quốc. Đó là thời điểm các đơn hàng nhập khẩu giảm thê thảm. Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy 10 triệu lao động di cư từ nông thôn ra thành thị mất việc làm. Vào tháng 1.2009, Chủ tịch Liên đoàn Xuất khẩu ẤËn Độ, A. Sakthivel cũng cho biết hơn 10 triệu lao động nước này sẽ mất việc trong một vài tháng và đó sẽ là những ngày “tồi tệ nhất lịch sử đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa”. Khoảng 300 triệu người châu Á đang sống ngấp nghé mức chuẩn nghèo của Liên Hiệp Quốc có nguy cơ bị đẩy tụt xuống dưới mức chuẩn sau khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Tito Mboweni - Giám đốc Ngân hàng dự trữ quốc gia Nam Phi cảnh báo rằng mọi thành quả về xóa đói giảm nghèo của thế giới trong một thập niên qua có thể trở thành công cốc chỉ vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Điều này được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc thừa nhận: Tác động nhỏ nhất là những tiến bộ sẽ bị ngừng lại, còn không cuộc khủng hoảng có thể làm đảo ngược những thành quả đã đạt được.
Nếu trước kia, toàn cầu hóa kinh tế, với dòng chuyển dịch vốn và công nghệ đã giúp các nhà máy mọc lên khắp nơi, giải quyết việc làm đáng kể cho người lao động, thì giờ đây, toàn cầu hóa khủng hoảng đã khiến các nhà máy đóng cửa hàng loạt. Vẫn chưa thể đánh giá hết hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay gây ra, nhưng chắc chắn một điều là túi tiền của từng người dân sẽ bị co hẹp lại và danh sách bổ sung thành viên đội quân thất nghiệp sẽ còn tăng, ít ra là phải hết năm 2009.