Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh chủ trì.
Tham dự Tọa đàm có: đại biểu đại diện lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, các bộ, ngành, chuyên gia và đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) nhấn mạnh: Luật 69/2014/QH13 đã góp phần tạo môi trường pháp lý cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp; tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhà nước ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng vướng mắc khi triển khai thực hiện. Do vậy, việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến hoạt động của Ủy ban và các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Với mong muốn Luật khi được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp nêu cao tinh thần chủ động, tích cực đóng góp ý kiến đối với các nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật như: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp trong quản lý và đầu tư vốn tại Dự thảo Luật với các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về doanh nghiệp Nhà nước (như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu BCHTW Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…); phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại Dự thảo Luật….
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ, Ủy ban cho biết: Trong thời gian qua Ủy ban đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng Công ty về dự án Luật. Trong quá trình tham gia, phối hợp với Bộ Tài Chính, tổng hợp các đơn vị, Ủy ban đã có 6 lần góp ý vào Dự thảo Luật, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; về quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể chủ sở hữu vốn, đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền; về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu; về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Ngoài ra, Ủy ban góp ý chi tiết cụ thể các điều khoản liên quan đến các nội dung như: Giải thích từ ngữ, làm rõ nội hàm một số khái niệm, thuật ngữ; về kiểm soát viên; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; về đánh giá doanh nghiệp, người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên; về hợp nhất, sáp nhập; về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan tài chính cùng cấp; phân phối lợi nhuận sau thuế; đầu tư ra nước ngoài; xử lý mâu thuẫn xung đột của Luật này với Luật khác; báo cáo đánh giá tác động; và liên quan đến thực hiện chủ trương, chỉ đạo về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và một số nội dung khác.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, hầu hết đại biểu cho rằng Dự thảo Luật là “cuộc cách mạng” trong quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cách tiếp cận, tinh thần sửa Luật có rất nhiều điểm tích cực kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện thể chế, nhất là quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn và chính sách về quản trị doanh nghiệp.