Quá trình thành lập: ICC được thành lập theo Quy chế Rome, do 120 nước ký kết vào ngày 17.7.1998 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1.7.2002 sau khi được 60 nước đầu tiên phê chuẩn. Hiện nay, Quy chế Rome đã được 106 nước phê chuẩn, trong đó không có Sudan. (Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng chưa tham gia Quy chế này).
Thẩm quyền xét xử: Theo Quy chế Rome, ICC không có thẩm quyền toàn phán (quyền xét xử tất cả mọi tội phạm), mà chỉ có thẩm quyền hạn chế về 4 tội phạm nghiêm trọng nhất, bao gồm tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội phạm chiến tranh và tội xâm lăng. Nhưng trong giai đoạn đầu, chỉ thu hẹp lại 3 tội đầu, vì tội xâm lăng sẽ hoãn xử cho tới khi nào có một định nghĩa chính thức thế nào là xâm lăng bởi đa số các nước sáng lập ICC muốn có một định nghĩa về xâm lăng khác với định nghĩa của HĐBA Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, ICC không có thẩm quyền hồi tố nghĩa là xử những việc đã xảy ra trước ngày nó được chính thức thiết lập, tức ngày 1.7.2002. Nhưng từ ngày này về sau thì không còn giới hạn nào về thời gian nữa. Theo nghĩa đó, ICC đã thành một tòa án hình sự thường trực.
Mặt khác, tuy gọi là quốc tế nhưng ICC chỉ có quyền thụ lý để xử những hành vi cấu thành tội phạm, hoặc thủ phạm mang quốc tịch một quốc gia thành viên, hoặc đã xảy ra trên lãnh thổ quốc gia thành viên, hay một quốc gia tuy không là thành viên nhưng chấp nhận thẩm quyền của ICC.
Sau cùng, ICC chỉ xử những cá nhân, không xử những tập thể như quốc gia, chính quyền, chính đảng... Tuy nhiên, ICC không miễn trừ cho một cá nhân nào, từ thường dân đến nguyên thủ. ICC là cơ quan xét xử cuối cùng, nghĩa là các thẩm phán của ICC chỉ vào cuộc khi cơ quan tư pháp của một quốc gia không tiến hành hoặc không được tin tưởng để tiến hành một thủ tục xét xử.
Thành phần: 18 thẩm phán của ICC được bầu theo nhiệm kỳ từ 3-9 năm. Công tố viên trưởng là ông Luis Moreno-Ocampo, người Argentina, một thẩm phán nổi tiếng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và đấu tranh chống chính quyền quân sự ở đất nước ông. Chánh án Tòa án hiện nay là ông Philippe Kirsch, người Canada.
Ngân sách: ICC được hưởng khoản ngân sách hàng năm lên đến 90 triệu euro (142 triệu USD), do các nước thành viên Hiệp ước Rome đóng góp. Khoản ngân sách này sẽ do Nghị viện các nước thành viên và cơ quan hành chính của Tòa án thông qua. ICC hiện có 679 nhân viên.
Các vụ việc: Cơ quan công tố của ICC đã mở các cuộc điều tra tại CHDC Congo, Uganda, Sudan và Trung Phi. Hiện nay, Tòa án đang giam giữ 4 người bị tình nghi, trong đó có cựu Phó thủ tướng CHDC Congo Jean-Pierre Bemba, người bị cáo buộc phạm những tội ác chiến tranh tại Trung Phi. Tòa án cũng đã phát lệnh truy nã đối với một số Bộ trưởng Sudan là Ahmad Muhammad Harun và Ali Kushayb, 4 quan chức của một nhóm nổi dậy tại Uganda có tên gọi Quân đội kháng chiến của lãnh chúa và Bosco Ntaganda, một tội phạm chiến tranh CHDC Congo.