Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo triển khai những nhiệm vụ của Tổ soạn thảo thời gian qua; báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội Khóa XV” kể từ Phiên họp thứ Nhất của Ban chỉ đạo Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội Khoá XV từ tháng 10.2022 cho đến nay.
Thảo luận về Đề án, một số ý kiến cho rằng, về cơ bản đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội Khóa XV”. Góp ý vào dự thảo Đề án, nhiều ý kiến đề nghị, cần có một quy chế cụ thể để có sự phối hợp chủ động giữa các cơ quan, đầu mối trong việc cung cấp thông tin báo chí về Quốc hội một cách thường kỳ; cần tính toán lộ trình, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn truyền thông; các phương thức truyền thông phải được triển khai đồng đều và thường xuyên; coi trọng điều tra dư luận để có định hướng truyền thông phù hợp; phát triển các nền tảng, hình thành các “cầu nối” để tăng cường sự tương tác đối với cử tri…
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà - Tổ trưởng Tổ soạn thảo, ghi nhận các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, gợi mở nhiều vấn đề cho dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội Khóa XV”.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động của Quốc hội thành công là nhờ một phần quan trọng ở công tác truyền thông. Do đó cần có một văn bản chung để chỉ đạo định hướng hoạt động truyền thông của Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổ soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ Đề án theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.