Trong năm 2022, Hà Nội đã phát triển thêm 28 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 14 quận, huyện, nâng tổng số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố lên 83 địa điểm, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Gặp khó trong phân phối sản phẩm
Mặc dù chương trình OCOP đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng miền, nhưng để sản phẩm OCOP có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, các yêu cầu này đang đòi hỏi ngày càng cao hơn như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết với doanh nghiệp phân phối để tiêu thụ sản phẩm.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP MD Queens Trịnh Kim Thư, công ty có sản phẩm trà xạ đen đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của TP. Hà Nội, nhưng khi đưa hàng vào các siêu thị tiêu thụ, phải đáp ứng yêu cầu có kinh nghiệm đưa hàng những siêu thị quy mô lớn như Big C, Mega Maket… thì mới được duyệt. Cùng với đó, chi phí mở mã hàng khá lớn, đồng thời siêu thị đều yêu cầu bán ký gửi hàng hóa khiến lượng vốn lưu động của doanh nghiệp thâm hụt.
Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số siêu thị, khiến việc đưa hàng Việt, hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Đồng thời, phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy muốn tiêu thụ sản phẩm OCOP nhà sản xuất phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định đó.
Hỗ trợ các chủ thể OCOP, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để các sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và có chỗ đứng trong các siêu thị, hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, để Chương trình OCOP được thực hiện có hiệu quả, cần đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…
Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo… “Thông qua kênh thương mại điện tử, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Hà Nội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Mai Anh khẳng định.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ chấm điểm sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP để phân hạng sản phẩm theo tiêu chí "sao". Khi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được chứng nhận, chắc chắn sẽ có thêm cơ hội đưa hàng vào hệ thống siêu thị.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội là một trong những nội dung, chương trình công tác của Sở Công Thương và được triển khai thường xuyên, liên tục trong những năm vừa qua. Kết quả cho thấy, ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến nhiều hơn các sản phẩm OCOP chất lượng và an toàn.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thế Hiệp, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp và các hệ thống phân phối cần sự hợp tác nhiều hơn để thúc đẩy cả chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.