Sáng 28.2, TikTok Việt Nam và Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) đã ký kết Biên bản hợp tác, nhằm tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong việc số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Tham dự buổi lễ có: Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương; đại diện Ban giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tại một số tỉnh, thành; đại diện TikTok Việt Nam; đại diện mạng đa kênh (MCN) bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông trực tuyến, các nhà sáng tạo nội dung số (KOL và KOC); cùng đông đảo chủ thể OCOP đến từ nhiều vùng, miền trên khắp cả nước.
Khởi động hastag #DacSanVietNam - kết nối giao thương
Với mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống, du lịch nông thông trên môi trường số, Lễ ký kết cũng đóng góp vào tiến trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, TikTok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai các khóa tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP tại một số tỉnh thành, như Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Huế, Lâm Đồng…Đồng thời, nền tảng sáng tạo số nổi tiếng này sẽ tái khởi động hastag #DacSanVietNam nhằm tăng tương tác, tạo nhóm chủ đề nổi bật và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (TTXTTMNN) cho biết, thành công của việc triển khai chương trình OCOP không chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm, mà còn phải đạt yêu cầu về doanh số, đáp ứng tiêu chuẩn tiêu dùng khắt khe của thị trường hiện đại, gắn với nhu cầu sử dụng công nghệ 4.0 tân tiến. Hiện tại, sự phổ biến của mạng xã hội đã đem về nhiều triển vọng phát triển, tạo động lực cho những sáng kiến khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo không ngừng trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
Theo Giám đốc TTXTTMNN, nếu chỉ duy trì kinh doanh nhỏ, lẻ thì các chủ thể OCOP khó thể nào phát triển rộng khắp. Vì vậy, với hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, TikTok cùng các nền tảng tương tự chính là cầu nối để người dân mua sắm dễ dàng và tiện lợi hơn, qua đó mở ra cơ hội tiềm năng cho các chủ thể OCOP khẳng định thương hiệu địa phương. Đặc biệt, thông qua sự sáng tạo của các KOL, chúng ta có thể làm mới từ những câu chuyện quen thuộc, nâng tầm giá trị nội hàm cho đặc sản quê hương đất nước, từng bước hướng ra thị trường trong khu vực và quốc tế. Việc trưng bày, mở quầy hàng trong khuôn khổ Lễ ký kết cũng là cơ hội để các chủ thể OCOP lắng nghe, tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, từ đấy có thể duy trì điểm mạnh và khắc phục hạn chế, tồn tại.
Về phương hướng hợp tác với TTXTTMNN trong thời gian tới, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam tự hào nhấn mạnh tới 3 dịch vụ nổi bật, xuyên biên giới của TikTok, gồm: Cung cấp thông tin, thương mại điện tử và quảng cáo. Qua đó, việc kết hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình truyền thông hiện đại, bắt kịp xu hướng sẽ giúp các chủ thể OCOP thu hẹp khoảng cách công nghệ, hướng đến đông đảo đối tượng khách hàng hơn, lan tỏa nhóm đặc sản nội địa chất lượng, nhất là khi môi trường mạng xã hội ngày càng bão hòa, yêu cầu nội dung nghiêm túc song vẫn đảm bảo đa dạng, thú vị và lôi cuốn.
Số hoá kinh doanh truyền thống - kéo “người Việt dùng hàng Việt”
Việc đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, số hóa kinh doanh truyền thống được xem là bước đi tất yếu, góp phần mở rộng thị trường, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Đại diện TikTok Việt Nam khẳng định sẽ đầu tư đào tạo, tổ chức các lớp chuyên môn về cách xây dựng nội dung video ngắn, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo “TikTok for business” (tạm dịch: TikTok cho doanh nghiệp), đồng thời thiết lập ngành hàng riêng cho sản phẩm OCOP trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.
Trước đó, trong năm 2022, TikTok chứng minh hiệu quả tiên phong khi tổ chức thành công hơn 10 khóa đào tạo địa phương về chuyển đổi số, thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop. Riêng 2 hastag #DacSanVietNam và #OCOP đã và đang thu về hơn 600 triệu lượt xem, chứng tỏ cơ hội tiêu thụ tiềm năng cho nông sản Việt Nam.
Tại buổi lễ, đại biểu tham dự và các chủ thể nhãn hàng OCOP cũng đã lắng nghe chia sẻ, kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến từ đại diện một số công ty truyền thông – quảng cáo. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh vào tiềm năng của lĩnh vực livestream, khẳng định đây là ngành “công nghiệp không khói”, đóng vai trò quan trọng trong bán hàng và tiếp thị. Một chiến dịch tốt không chỉ mang mang về doanh thu “khủng”, mà còn kéo theo tệp khách hàng lớn.
"Khó khăn chung giữa các doanh nghiệp OCOP thường nằm ở kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ. Muốn lan tỏa sản phẩm đặc sản vùng miền thì bản thân người bán hàng phải có cách truyền tải hay, hấp dẫn, lựa chọn nền tảng mạng xã hội phù hợp để biến chúng thành “phễu tương tác”. Ngoài ra, livestream đặc sản vùng miền cần gắn kết với lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mang nét đặc trưng riêng của văn hóa bản địa. Nội dung giới thiệu càng có chiều sâu, gắn với câu chuyện hậu trường sản xuất thì sản phẩm giới thiệu càng có tính thu hút, nhờ vậy có thể tác động mạnh vào tâm lý “người Việt dùng hàng Việt”" - Ông Trần Khánh Duy, Giám đốc Thương mại tại TikPlus Vietnam.
Một số hình ảnh ghi tại sự kiện: