Sửa đổi Luật Doanh nghiệp:

Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng

Nhằm tăng cường tính minh bạch, ngăn chặn tình trạng kê khai khống vốn điều lệ, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền, Luật Doanh nghiệp đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính - ngân sách quốc gia.

Siết vốn điều lệ khống, ngăn chặn doanh nghiệp "ma"

Tại phiên họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp mới đây, lãnh đạo Bộ Tư pháp nhấn mạnh, việc sửa đổi cần tập trung giải quyết các vướng mắc cấp bách hiện nay, trong đó nổi bật là tình trạng "vốn ảo", "vốn khống" và thiếu minh bạch thông tin doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo, một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật là làm rõ và bổ sung các khái niệm như: cổ tức, giá trị thị trường của phần vốn góp, thị phần nhằm thống nhất với các chuẩn mực kế toán, tài chính. Đặc biệt, khái niệm kê khai khống vốn điều lệ được bổ sung để có cơ sở xử lý các hành vi "lập lờ", "thổi phồng" vốn góp khi thành lập doanh nghiệp, gây méo mó thị trường và ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư.

Một nội dung lớn khác trong Dự thảo Luật là quy định về chủ sở hữu hưởng lợi - vấn đề được quốc tế quan tâm trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo bà Khương Thanh Hà, Cục Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc bổ sung định nghĩa chủ sở hữu hưởng lợi là cần thiết và phù hợp với các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).

1000017305.jpg
Sửa đổi Luật Doanh nghiệp hướng tới giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh nguồn: ITN

Theo các chuyên gia, cần rà soát các quy định để bảo đảm tính khả thi. Đơn cử như quy định “Trường hợp doanh nghiệp không có chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm thành lập thì doanh nghiệp phải thông báo kịp thời thông tin trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm phát sinh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi” được đề nghị xem xét lại vì thiếu tính rõ ràng. Tương tự, các cụm từ mang tính định tính như "khi xét thấy cần thiết" trong một số điều khoản cần được điều chỉnh để tránh gây khó khăn khi thực hiện.

Rõ cơ chế hậu kiểm

Dự thảo Luật Doanh nghiệp bổ sung cơ chế hậu kiểm rõ ràng, giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh sau khi doanh nghiệp thành lập. Quy trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước địa phương được quy định cụ thể nhằm phát hiện và xử lý sớm những doanh nghiệp "mất tích", "bỏ trốn" sau khi đăng ký.

Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng Dự thảo là vấn đề kiểm tra, giám sát góp vốn khi thành lập doanh nghiệp và khi tăng giảm vốn điều lệ.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, cần bổ sung vào Luật các quy định cụ thể về thủ tục đăng ký vốn ban đầu, tăng vốn như điều kiện, hồ sơ, tổ chức định giá… để tăng tính minh bạch, chống tình trạng "vẽ vốn" và sử dụng vào các hành vi trục lợi như gian lận hóa đơn, phát hành trái phiếu sai quy định, chiếm đoạt thuế hoặc vay vốn không minh bạch. Cùng với đó, bổ sung hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của tổ chức/cá nhân góp vốn, bảo đảm doanh nghiệp thực sự có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính như đã đăng ký.

Ý kiến thứ hai được Bộ Tài chính ủng hộ, cho rằng, không nên làm phát sinh thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động kinh doanh, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế, cắt giảm chi phí tuân thủ và khuyến khích khởi sự kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, việc yêu cầu chứng minh năng lực tài chính trong hồ sơ đăng ký kinh doanh từng được áp dụng trước đây nhưng bị bãi bỏ do không khả thi. Giải pháp được lựa chọn là tăng cường năng lực "hậu kiểm", thông qua việc kết nối, chia sẻ thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Dự thảo Luật đã sửa đổi khoản 3, Điều 215 để làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh đối với các nội dung: tổ chức đăng ký kinh doanh, kiểm tra - giám sát hậu đăng ký, ban hành quy chế phối hợp quản lý sau thành lập.

Xây dựng cơ chế ràng buộc mềm

Ông Nguyễn Việt Hùng - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, ngoài các biện pháp hành chính, cần có cơ chế bảo đảm ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp. Một trong những gợi ý là doanh nghiệp phải tham gia hiệp hội ngành nghề hoặc có hình thức ký quỹ, nhằm xử lý hậu quả trong trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn.

Cụ thể, để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, minh bạch, cần nghiên cứu một số cơ chế ràng buộc mềm, như yêu cầu doanh nghiệp tham gia vào một tổ chức có liên quan đến ngành nghề hoạt động. Nếu doanh nghiệp không tham gia, nên cân nhắc cơ chế ký quỹ để xử lý rủi ro.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần tập trung vào 3 nhóm vấn đề cốt lõi: Bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối mới của Đảng và Nhà nước; thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là về phòng, chống rửa tiền và giải quyết các vướng mắc cấp bách trong thực tiễn.

Đặc biệt, cần rà soát tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định trong dự thảo, bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các đạo luật có liên quan như Luật Chứng khoán, Luật Phòng, chống rửa tiền. Ngoài ra, cần hoàn thiện về mặt ngôn ngữ và kỹ thuật lập pháp để bảo đảm tính rõ ràng, khả thi trong thực thi pháp luật sau này.

Kinh tế

Ảnh minh họa
Kinh tế

Dệt may nỗ lực thích ứng với chính sách thuế mới

Thị trường Mỹ chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, bất kỳ biến động chính sách nào từ quốc gia này đều tác động đến toàn ngành. Trong bối cảnh hai nước đang đàm phán về thuế đối ứng, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực thích ứng bằng cách đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung, xanh hóa sản xuất…

ABBANK hợp tác VBI: Chung tay bảo vệ tài chính và sức khỏe người Việt
Doanh nghiệp

ABBANK hợp tác VBI: Chung tay bảo vệ tài chính và sức khỏe người Việt

Ngày 10.4.2025 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank - VBI) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phân phối các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm sức khỏe - tài chính toàn diện, hướng tới mục tiêu gia tăng tiện ích và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

TP. Hồ Chí Minh đang hướng đến xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế để nâng cao vị thế kinh tế và thu hút đầu tư toàn cầu
Kinh tế

Tận dụng cơ hội, định vị Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 16.4 tới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động và nhu cầu dịch chuyển dòng vốn quốc tế ngày càng lớn, việc chủ động hình thành một Trung tâm tài chính mang tầm khu vực và quốc tế là bước đi chiến lược, thể hiện tư duy mới, khát vọng lớn của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Lúa chất lượng cao được các doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường
Kinh tế

Cánh cửa mới của tăng trưởng xanh

Sau một năm triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận, khẳng định tính đúng đắn và cấp thiết của chủ trương, mở ra cánh cửa mới của tăng trưởng xanh.

Ảnh minh họa
Thị trường

Cơ hội trong thách thức thương mại

Việc Mỹ áp thuế 145% lên hàng Trung Quốc buộc nước này phải chuyển hướng xuất khẩu thủy sản, tạo áp lực cạnh tranh lớn tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thủy sản Việt Nam mở rộng thị phần, nếu kịp thời thích ứng, nâng cao chất lượng, kiểm soát xuất xứ và đa dạng hóa thị trường.

Phấn đấu đến hết tháng 5.2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn
Kinh tế

Phấn đấu đến hết tháng 5.2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Cục Thuế cho biết, trong thời gian vừa qua, cơ quan thuế đã triển khai hiệu quả hoàn thuế điện tử đạt tỷ lệ 99%. Trong đó, khoảng 86% số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện ‘‘hoàn thuế trước, kiểm tra sau’’ đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn nhanh chóng trong vòng 6 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ của người nộp thuế.