![]() Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker (phải) và Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders |
Ảnh: Getty Images |
Người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean - Claude Juncker cho biết, ESM sẽ “ra mắt” vào ngày 1.1.2013 và có khả năng cho vay thực lên tới 500 tỷ euro (tương đương 674 tỷ USD). Quy mô của ESM sẽ được xem xét 2 năm một lần. Cũng theo ông Juncker, đồng thời là Thủ tướng của Luxembourg, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tham gia ESM, nhưng thể chế tài chính đa phương này chưa thông báo phần đóng góp của mình. Các nước ngoài Eurozone có thể tham gia ESM trên cơ sở tự nguyện.
ESM ra đời để thay thế Cơ chế Ổn định tài chính châu Âu (EFSF - quỹ cho vay ngắn hạn) với nguồn quỹ 440 tỷ euro sẽ hết hiệu lực vào giữa năm 2013. Khả năng cho vay thực của EFSM hiện chỉ dừng ở mức khoảng 250 tỷ euro. Phần còn lại được sử dụng như tài sản thế chấp nhằm giúp các nước Eurozone vay mượn trên thị trường với chi phí thấp hơn giá họ cho vay lại.
Lãnh đạo tài chính Eurozone đưa ra quyết định trên trong bối cảnh sức ép đối với thị trường trái phiếu khu vực này lại gia tăng và Liên minh châu Âu (EU) đứng trước thời hạn chót phải kết thúc các cuộc thương lượng về quy mô, phương thức và phạm vi áp dụng ESM tại cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức này vào ngày 25.3 tới.
Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Bồ Đào Nha ngày 14.2 lên đến 7,3%, thậm chí có lúc lên đến 7,636%, so với 1,175% cách đó 3 ngày. Lãi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của Tây Ban Nha cũng tăng, báo hiệu nguy cơ xảy ra cơn hoảng loạn mới trên thị trường trái phiếu châu Âu, khi EU triệu tập phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo Eurozone vào ngày 11.3 tới để tìm kiếm giải pháp ngăn chặn nguy cơ bùng phát khủng hoảng nợ công trong toàn khu vực và giải quyết những bất cập về chính sách kinh tế trong khu vực này.
Trước đó đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, nguồn vốn của ESM cần phải được sử dụng tối đa và quyết định mới nhất của các nhà lãnh đạo tài chính Eurozone được coi là bước đi đầu tiên theo hướng này. Các chuyên gia khẳng định, đây cũng là cách tốt nhất để đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay đã nhanh chóng lan rộng tại các nước thành viên Eurozone trong năm qua.
Một số nước châu Âu hiện đang gặp khó khăn như: Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia và Pháp. Chẳng bao lâu nữa Hy Lạp sẽ có tỷ lệ nợ công trên 150% GDP và rơi vào cạm bẫy tham nhũng nghiêm trọng. Đứng sau Hy Lạp là Ireland. Trong giai đoạn của cái gọi là “Điều kỳ diệu của người Ireland”, nước này trải qua sự bùng nổ về nhà ở gấp đôi ở Mỹ. Khi bong bóng nhà ở vỡ, các ngân hàng của Ireland phá sản hàng loạt, các khoản cứu trợ ngân hàng của chính phủ khiến thâm hụt ngân sách tăng hơn 20% năm 2010 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Vì vậy, một số nước lớn trong EU tỏ thái độ sẵn sàng gạt bỏ Ireland.
Tuy được đánh giá là một bước đi lớn nhằm chứng tỏ liên minh tiền tệ Eurozone có thể sẵn sàng hỗ trợ các mắt xích yếu trong bộ máy của mình, song cơ chế mới này lại khiến các nhà đầu tư và một số chính khách lo ngại về khả năng của khu vực đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, hiện nay các thị trường tài chính tương đối ổn định và thậm chí có thể vận hành tốt hơn nếu không có sự can thiệp của chính quyền. Đức hiện là nhà đóng góp lớn nhất cho EFSF. Berlin tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ các quyền hạn mới của quỹ này như được phép mua trái phiếu chính phủ trên thị trường mở… khi các nước được thể chế này cứu trợ thực hiện các cam kết thúc đẩy nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn. Đòi hỏi này đã gây mối bất hòa trong Eurozone với những phàn nàn rằng chúng sẽ làm chệnh hướng các nỗ lực giám sát nền kinh tế của Ủy ban châu Âu.
Sự sụp đổ của một số nước thành viên trong Eurozone là tất yếu và giới chuyên gia khuyến cáo các nhà lãnh đạo châu Âu nên tập trung vào bước đi tiếp theo. Hiện nay thách thức của các nhà lãnh đạo châu Âu là xây dựng nền tảng cho một liên minh tiền tệ vững chắc trong tương lai. Các nước rút khỏi Eurozone sẽ tiến hành cải cách và sau khi đủ mạnh, họ sẽ tiếp tục tham gia. Châu Âu phải nỗ lực cắt giảm các khoản chi tiêu chính phủ - cách duy nhất để ngăn chặn các khoản thâm hụt bùng nổ. Nhưng châu u cũng phải có biện pháp ngăn chặn các nước thiếu trách nhiệm và lạm dụng tư cách thành viên Eurozone.