Minh bạch thông tin
Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified) Bùi Huy Bình cho biết, trước thực tế người dân luôn phải đối mặt với nạn thực phẩm bẩn, kém sạch và không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan, không ít doanh nghiệp đã ứng dụng QR code giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Song trên thực tế, nhiều sản phẩm khi truy xuất nguồn gốc QR code lại chỉ thuần túy dẫn tới website của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đó. Cách làm như vậy khiến QR code không thực hiện đúng chức năng truy xuất nguồn gốc.
Quét mã truy xuất nguồn gốc thanh long ứng dụng công nghệ blockchain | Nguồn: ITN |
Đồng tình với quan điểm đó, Tổng Giám đốc Công ty Cofidec Đặng Thị Phương Ninh chỉ rõ, tính trung thực của dữ liệu truy xuất nguồn gốc hiện tại vẫn chưa được bảo đảm toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống. Nguyên nhân nằm ở thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, công nghệ blockchain hứa hẹn cải thiện truy xuất nguồn gốc và minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Với blockchain, các nhà quản lý có thể nhanh chóng xác định nguồn gốc chất gây ô nhiễm và xác định phạm vi của các sản phẩm bị ảnh hưởng. Từ đó, giúp nhà sản xuất có thể ngăn ngừa bệnh tật một cách kịp thời, hạn chế lãng phí thực phẩm và thiệt hại về tài chính.
Nếu như với cách làm hiện nay (quản lý theo hệ thống trung tâm), các đơn vị cung cấp công nghệ (tem dán QR code) bằng cách nào đó có thể can thiệp chỉnh sửa thông tin của sản phẩm, thì với công nghệ blockchain thông tin không thể chỉnh sửa vì mỗi một dữ liệu của từng công đoạn sẽ được lưu lại thành một khối (block) và được tuần tự đưa lên chuỗi theo trình tự thời gian; thông tin được đưa lên phải được sự đồng thuận của tất cả các bên (sản xuất, đóng gói, phân phối…) và khi thông tin đưa lên rồi không thể gỡ xuống được.
Hiện nay đã có một số mô hình thử nghiệm dựa trên nền tảng blockchain trong truy xuất nguồn gốc như xoài, thanh long… Đơn cử như dự án “Hỗ trợ Nông sản Việt Nam xây dựng nhận diện thương hiệu toàn cầu” với sự tài trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã được triển khai thí điểm trên chuỗi thanh long xuất khẩu sang thị trường Australia.
Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Robin Bednall cho biết, người tiêu dùng Australia rất quan tâm đến các nông sản mang tính khác biệt như trồng hữu cơ, mang tính công bằng thương mại, khả năng truy xuất nguồn gốc. Công nghệ blockchain đáp ứng được các yếu tố này, mà một khi ứng dụng thì các nông sản Việt Nam dễ dàng đưa sản phẩm vào thị trường Australia, một thị trường cực kỳ khó tính, luôn đòi hỏi tính minh bạch cao nhưng lại đem đến giá trị gia tăng cao.
Còn nhiều vướng mắc
Trong tương lai, công nghệ blockchain là yếu tố để giúp chứng minh, chứng nhận xuất xứ (C/O) sản phẩm một cách dễ dàng và đơn giản hóa hơn. |
Dù tiềm năng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đánh giá cao, song trên thực tế việc áp dụng còn rất thấp bởi việc truy xuất nguồn gốc hệ thống trong nông sản cần rất nhiều thời gian không thể có được ngay.
Theo các chuyên gia, công nghệ blockchain đòi hỏi tất cả các đối tượng trong chuỗi đều cần có đường truyền kết nối internet tin cậy. Vấn đề này sẽ gây khó khăn cho đối tượng đầu tiên trong chuỗi, đó là người nông dân, khi mà ở các khu vực nông thôn điều kiện mạng lưới internet chưa thật tốt. Vấn đề thứ hai lớn hơn là liên quan đến ứng dụng. Các đối tượng ứng dụng công nghệ này cần phải sử dụng thật hành thạo. Đây cũng là một thách thức không nhỏ cho những đối tượng không biết nhiều về công nghệ. Đó là chưa nói đến chi phí phát sinh cho việc in tem mã, nhân lực để thực hiện công việc này…
Trong khi đó, Giám đốc điều hành TraceVerified Bùi Huy Bình lại khẳng định, ứng dụng blockchain trong nông nghiệp không khó về mặt công nghệ mà khó ở việc thu thập thông tin. Muốn thông tin được chính xác cần rất nhiều thiết bị để thu thập dữ liệu. Thứ hai, cần xác lập được chuỗi thông tin chính xác giữa các khâu, tức làm rõ thông tin sẽ được chuyển tiếp như thế nào và ai gửi thông tin cho ai. Thứ ba, cần thiết kế những điểm nhận dữ liệuxác định được độ ẩm, màu sắc… và phải xác định được cơ chế đồng thuận giữa các bên.
Thực tế chỉ ra rằng, hiện vẫn thiếu những kết nối thông tin nguồn gốc. Đơn cử như 1.000kg rau muống (được trồng cách nhau 2 ngày), song làm sao phân biệt được 500kg từ lô 1, 500kg từ lô 2 vẫn là vấn đề cần tính tới. Chưa kể, tính chính xác và khách quan của thông tin vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhà cung cấp mà thiếu kiểm soát của các bên cung ứng công nghệ.
Mặt khác, quy định của pháp luật và chế tài của cơ quan quản lý còn sơ sài. Các văn bản quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không bảo đảm trong lĩnh vực thủy sản và văn bản quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông - lâm sản không bảo đảm an toàn, còn khá đơn giản và chỉ mới quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của nhà sản xuất.
“Cuối cùng, thách thức quan trọng nhất là ý chí hành động, bởi tiềm năng ứng dụng blockchain trong nông nghiệp rất lớn, nhưng nếu cứ ngồi đó thì thành quả không bao giờ đến” - Giám đốc điều hành TraceVerified Bùi Huy Bình nhận định.