Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại; nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, GS.TS Khoa học Nguyễn Mại cho rằng, Hà Nội hiện có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn. Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam. Thủ đô hiện có trụ sở 2 Viện Hàn lâm khoa học, hàng chục trường đại học với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ; số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng.
Tổ chức nghiên cứu Savills chỉ ra, trong giai đoạn 2016 - 2022, sự tăng đột ngột doanh số xuất khẩu điện tử và điện thoại phản ánh quá trình nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị. Với những tiềm năng kể trên, Hà Nội được nhận định là một trong những tỉnh, thành phát triển ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn của cả nước ta.
GS. TS Khoa học Nguyễn Mại đề xuất, để nắm bắt kịp thời cơ, TP. Hà Nội cần xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư, chủ động thảo luận, tìm ra giải pháp phát triển cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, cải tiến hoạt động xúc tiến đầu tư và khắc phục các điểm nghẽn hiện nay, đặc biệt là vấn đề nguồn cung năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông, an sinh xã hội.
Thời gian qua, TP. Hà Nội là nơi tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tới thăm Việt Nam như Nvidia, Apple, SpaceX… Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Các dự án phù hợp có thể nhận được ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, ưu tiên và thủ tục hải quan.
Song, công nghiệp tại Hà Nội và đặc biệt là công nghiệp bán dẫn cũng đang gặp những thách thức không nhỏ. Trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Hà Nội hiện mới chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ cả về số lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động. Trong số hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam, 85% làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội chỉ chiếm 8%.
Nguyên nhân là do việc tiếp cận tư duy, hành động đổi mới sáng tạo vẫn còn diễn ra tương đối chậm. Thêm vào đó là chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, chậm cải tiến sự phối hợp giữa chính quyền thủ đô với các bộ, ngành trung ương với các viện khoa học, trường đại học.
Giải pháp cho vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa cho biết, để tận dụng cơ hội sẵn có, Hà Nội cần xây dựng cơ chế riêng, đồng thời có bộ tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chính sách ưu đãi và lập chiến lược dài hạn trong 10 năm, học hỏi các quốc gia đi trước.