Vùng thực hành đa phương
Nhắc đến gốm sứ, ta nghĩ đến bát, đĩa, ấm chén… - những vật dụng hằng ngày được làm từ đất sét, trải qua quá trình nung đốt để tạo nên thành phẩm. Tuy nhiên, dưới con mắt của nghệ sĩ hiện đại, gốm vượt xa định nghĩa thông thường và được nhìn nhận như một chất liệu thực hành nghệ thuật.
Từ những lò gốm cổ truyền đến những xưởng làm việc hiện đại, dòng chảy gốm sứ đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ. Nghệ sĩ không chỉ dùng đất sét như một phương tiện để tạo hình mà còn khám phá sâu vào bản chất của chất liệu này, từ đó mở ra những khả năng mới trong việc biểu đạt ý tưởng nghệ thuật.
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Duy Mạnh với nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực hội họa và sợi, đã thách thức giới hạn của việc thực hành gốm với những tác phẩm mang tính hành vi mạnh mẽ: những vết xước, vết cào xé, vết rạch, nhào nặn nên những khối rắn đầy khác biệt. Một số bộ tác phẩm đã ghi được dấu ấn trong lòng công chúng và giới nghệ thuật như Hoa lắng đáy sông, Hoa trên thớ đất, Hồn siêu phách lạc… ẩn chứa những suy nghĩ, cảm nhận về sự đứt gãy, rạn vỡ trong phương thức sản xuất, mối quan hệ láng giềng, những bi kịch mà ngôn ngữ không thể biểu đạt.
Nguyễn Duy Mạnh chia sẻ: “Tôi quan niệm rằng đối với vật chất ở mỗi thời kỳ khác nhau, con người sẽ để lại những dấu vết đặc trưng khác nhau, từ đá, đồng, sau này là sắt, thép… Gốm cũng vậy. Chúng cũng mang dấu vết của thời kỳ lịch sử mà chúng được sinh ra, để rồi trải qua thời gian lại tiếp tục hằn chứa những câu chuyện của thời đại. Vì vậy, tôi chọn cách thực hành với gốm theo lối mở rộng suy tư, lắng nghe và nương theo đất, để lại dấu vết đương đại trên nền truyền thống”.
Còn với nghệ sĩ Linh San, với mong muốn diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ bằng thứ ngôn ngữ có thể chạm vào được, đã tìm đến gốm với nhiều cách “chơi” mỏng, dày khác nhau. Cô tìm kiếm ở gốm sự mỏng nhẹ như giấy, cảm giác mềm mại như lớp da, hay tận dụng tính thấu quang của sứ để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tương tác với ánh sáng… Những tác phẩm như Sách vỡ, Những đêm, Chăn sơ sinh, Cổ này tay nọ… gốm sứ qua bàn tay của nghệ sĩ đã cho thấy tính biểu hiện đa dạng, riêng có mà những chất liệu khác không thể làm được. “Mọi người thường hình dung ở gốm sứ sự đanh chắc, còn tôi muốn thử nghiệm với gốm để tạo ra cái gì đó rất mỏng, rất mềm”, Linh San nói.
Mở ra cơ hội mới
Các triển lãm gốm sứ ngày nay không chỉ trưng bày những bình hoa hay chén đĩa mà còn là những tác phẩm phức tạp với đầy đủ các yếu tố nghệ thuật như màu sắc, hình khối và kết cấu. Những tác phẩm này không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ mà còn mang thông điệp mạnh mẽ về văn hóa, xã hội, môi trường... Thực hành gốm sứ trong nghệ thuật đương đại không chỉ là một nghề mà còn là một hình thức biểu đạt sáng tạo, một lĩnh vực nghệ thuật ngày càng được công nhận rộng rãi trong cộng đồng nghệ thuật.
Nhìn ra thế giới, rất nhiều nghệ sĩ đã biến tấu với gốm, mang đến cho chất liệu này một đời sống mới thấm đẫm hơi thở đương đại. Như nghệ sĩ Singapore Jason Lim kết hợp kỹ năng điêu khắc thủ công và nghệ thuật biểu diễn để tạo tác với gốm, làm cho tác phẩm không đơn thuần là vật phẩm thị giác mà còn là chủ thể gợi mở suy ngẫm và tương tác với người xem. Hay nghệ sĩ Nhật Bản Keiko Fukazawa kết hợp truyền thống gốm sứ Nhật Bản với các yếu tố sáng tạo phản ánh văn hóa và xã hội. Nghệ sĩ Trung Quốc Ai Weiwei sử dụng gốm như một diễn ngôn để truyền tải những thông điệp chính trị...
Ở Việt Nam, thực hành nghệ thuật gắn với gốm sứ đã ghi dấu nhiều tên tuổi như Thái Nhật Minh, Nguyễn Duy Mạnh, Khổng Đỗ Tuyền, Phạm Hà Hải, Lê Huy, Trịnh Vũ Hiếu, Bùi Quốc Khánh… Họ đã lựa chọn đứng giữa nghệ sĩ và nghệ nhân, góp phần mang đến cái nhìn mới về gốm truyền thống, với phương thức kết hợp giữa kỹ thuật làm gốm cổ truyền và những xu hướng tiếp cận nghệ thuật thị giác hiện đại. Trong bối cảnh nghệ thuật đương đại, việc mở rộng thực hành nghệ thuật với chất liệu gốm không chỉ là một xu hướng mà còn là cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện sự sáng tạo không giới hạn của mình.
Chất liệu gốm, với tính chất linh hoạt và khả năng biến hóa cao đã trở thành phương tiện lý tưởng cho các nghệ sĩ đương đại để khám phá và thể hiện các ý tưởng nghệ thuật. Tuy nhiên, việc mở rộng thực hành nghệ thuật với chất liệu gốm cũng đặt ra nhiều thách thức đến từ sự kế thừa và phát triển bằng tinh thần mới, nhất là trong bối cảnh làng nghề ngày càng biến đổi, những sản phẩm vốn dĩ được làm bằng tay đang dần được thay thế bằng máy.
Theo nghệ sĩ thị giác Nguyễn Duy Mạnh: “Với gốm, đó không đơn thuần là câu chuyện đơn độc sáng tạo mà còn là cả một hệ sinh thái, gắn với làng nghề, với vùng văn hóa và rộng hơn là truyền thống lâu đời của ông cha. Gốm cần sự tỉ mỉ, chính xác và nâng niu, cần sự am hiểu về văn hóa dân tộc. Vì vậy, nghệ sĩ phải nỗ lực khai phá, mở rộng tư duy thực hành, đưa đời sống của gốm đi xa hơn trong dòng chảy nghệ thuật đương đại”.