Tại hội nghị, trên cơ sở báo cáo của 23 hiệp hội du lịch gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Cụm hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đã xây dựng Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, Chương trình liên kết, hợp tác, phát triển du lịch năm 2024.
Cơ hội để các doanh nghiệp du lịch hợp tác kinh doanh
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Trưởng Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hà Nội cho biết, Cụm hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đã duy trì các hoạt động hợp tác với các tỉnh, thu hút đầu tư, công tác đào tạo nguồn nhân lực.
“Năm 2023, Các hiệp hội đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, lễ hội du lịch, góp phần đưa hình ảnh, giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch các địa phương đến với du khách, tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch được giao lưu, và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Các hiệp hội cũng phối hợp tổ chức nhiều chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm như: Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh vùng Đông Bắc với du lịch TP. Hồ Chí Minh tại Ba Bể - Bắc Kạn; Khảo sát các tuyến điểm, sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái do Hiệp hội du lịch Bắc Giang, Bắc Kạn tổ chức; Lễ khôi phục du lịch biên giới do thị trấn Bằng Tường, Trung Quốc tổ chức; Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc ở Tuyên Quang…”, ông Nguyễn Mạnh Thản thông tin.
Đánh giá vai trò và đóng góp của Cụm đối với quá trình phục hồi ngành du lịch, ông Nguyễn Mạnh Thản cho biết, hoạt động xúc tiến, hợp tác, xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ do các thành viên tổ chức đã mang lại hiệu quả, nhiều hiệp hội thành viên đã tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch mới, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch...
Kết nối điểm đến, mở rộng thị trường
Trước những khó khăn của phần lớn doanh nghiệp du lịch năm vừa qua như chậm hồi phục hoạt động kinh doanh, công tác chỉ đạo, điều hành và cơ chế thông tin còn hạn chế, vì vậy, năm 2024, Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đề ra phương hướng tập trung công tác tổ chức, cơ cấu bộ máy, tiếp tục kiện toàn các đơn vị trực thuộc.
Đại diện Hiệp hội du lịch các tỉnh cho rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội du lịch thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho các hội viên. Huy động sự vào cuộc của các hiệp hội thành viên, các hội viên nhằm kết nối các điểm đến, dịch vụ du lịch thành tour, tuyến du lịch để quảng bá, thu hút khách du lịch nhằm thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết.
Tại hội nghị, các hiệp hội đề xuất với Cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch tăng trưởng theo Nghị quyết số 82 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng các chương trình xúc tiến mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, đồng thời tập trung phát triển du lịch nội địa. Quan tâm, hỗ trợ hơn nữa công tác xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho hiệp hội du lịch các địa phương, tổ chức các đoàn famtrip khảo sát các tuyến điểm du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá và thu hút khách du lịch…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nhấn mạnh, nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, cùng với hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc, địa phương chủ trương chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời tăng cường công tác liên kết vùng trong việc thúc đẩy hợp tác với các địa phương phát triển du lịch.
Hiện tại, Bắc Giang đang thực hiện Nghị quyết 112/NQ-TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh xác định, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chú trọng liên kết du lịch và các ngành kinh tế khác tạo nên chuỗi giá trị cho sản phẩm du lịch địa phương.
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
"Phấn đấu đến năm 2025, Bắc Giang đón được ít nhất 2.5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung các giải pháp quy hoạch: Quy hoạch khu du lịch rừng Sơn Động gắn với du lịch biển Hạ Long; khu du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; khu du lịch cấp Quốc gia từ các khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử huyện Sơn Động đến khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam; Chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào quy hoạch khu du lịch cấp quốc gia…", ông Mai Sơn tin tưởng.